Hà Nội xử lý 21 trường hợp đăng tin sai sự thật về Covid-19

VHO- Đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân.

Hà Nội xử lý 21 trường hợp đăng tin sai sự thật về Covid-19 - Anh 1

Lực lượng chức năng phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt khu vực phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), nơi vừa phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19

Ngày 8.3, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 tại phường Trúc Bạch, Công an quận Ba Đình, các đơn vị liên quan triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại 2 khu vực cách ly tại phố Trúc Bạch và tại Bệnh viện Hồng Ngọc.

Liên quan đến việc xác minh, xử lý các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng cho biết, lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an các quận, huyện tăng cường nắm tình hình, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác gây hoang mang dư luận.

Đến nay, Công an thành phố đã lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận.

"Đặc biệt liên quan trường hợp dương tính với Covid-19 tại phường Trúc Bạch, yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố khi đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung đối với tình trạng đưa tin không chính xác" - Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng cho biết.

Trước đó, hàng loạt chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội bị xử phạt vì tung tin đồn liên quan đến Covid-19. Đối với việc tung tin đồn thất thiệt, những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 7,5-30 triệu đồng tùy mức độ.

Hà Nội xử lý 21 trường hợp đăng tin sai sự thật về Covid-19 - Anh 2

Trước đó, hồi tháng 2.2020, 1 đối tượng đăng lên trang cá nhân với nội dung tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) xuất hiện một trường hợp dương tính với virus corona. Trường hợp này bị công an củng cố hồ sơ để xử phạt

VTV dẫn thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.

VOV.VN

 

Ý kiến bạn đọc