Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

45 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Nhớ về Sạc Ly, Delta

Thứ Năm 30/04/2020 | 07:18 GMT+7

VHO - Chắc hẳn những người con sinh ra và lớn lên ở Kon Tum đều biết đến chiến thắng lịch sử Đắk Tô - Tân Cảnh (24.4.1972). Nhưng ít ai biết rằng, để có chiến thắng đó, tại 2 cứ điểm 1015 (Charlie hay Sạc Ly) và 1049 (Delta), những “chiến binh” của Sư đoàn 320 đã trải qua những ngày chiến đấu cam go, khốc liệt, chấp nhận hi sinh, tổn thất lực lượng để đánh trận mở màn chiến dịch, tạo bàn đạp để các lực lượng tấn công giải phóng khu vực Bắc Tây Nguyên.

Hình ảnh về 2 điểm cao chiến lược Sạc Ly và Đelta

Trận đánh khốc liệt

Điểm cao 1015 (Sạc Ly) là địa danh nằm tiếp giáp giữa 3 huyện Sa Thầy, Đắk Tô và Ngọc Hồi (tỉnh tỉnh Kon Tum). Do điểm cao này có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng, có thể quan sát, khống chế cả vùng ngã ba đông dương; chính vì thế ngay từ những năm 1960, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã đưa quân chiếm đóng các điểm cao này.

Theo các tài liệu lịch sử, mùa Xuân - Hè năm 1972, quân giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên để giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh (1 cứ điểm quân sự quan trọng của địch ở Bắc Tây Nguyên), và trận đánh ở cứ điểm 1015 và 1049 là trận đánh mở màn, có ý nghĩa quyết định.

Theo đó, từ 30.3 đến 21.4.1972, tại cao điểm 1049 - Delta, trung đoàn bộ binh 52 do thiếu tá Hồ Hải Nam chỉ huy, cùng với sự tăng cường của tiểu đoàn 1 (trung đoàn 48), tiểu đoàn 19 đặc công (thuộc Sư đoàn 320A) và quân dân địa phương đã vây ráp, tiến công tiêu diệt tiểu đoàn dù 2 (thuộc Lữ đoàn dù 2, quân lực VNCH) và các lực lượng đến ứng cứu. Tại cứ điểm 1015 – Sạc Ly, từ ngày 12-15.4.1972, trung đoàn bộ binh 64 do trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy cùng quân, dân địa phương đã tiến công tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn dù 11, Lữ đoàn dù 2, quân lực VNCH.

Thắng lợi này khiến hệ thống phòng ngự phía tây sông Pô Kô của địch bị chọc thủng, tạo điều kiện cho quân ta đưa lực lượng vào giải phóng Đắk Tô – Tân Cảnh vào ngày 24.4.1972.

Di tích là nơi tuyên truyền về đạo lý uống nước nhớ nguồn của chính quyền địa phương

Nghĩa tình đồng đội

Mặc dù trận đánh điểm cao 1015 và 1049 giành thắng lợi, nhưng các lực lượng tham gia trận chiến của Sư đoàn 320A tổn thất nặng nề. Hàng ngàn chiến sĩ thuộc Sư đoàn 320A đã mãi mãi nằm lại nơi đây. 48 năm trôi qua đi, giờ đây tại 2 cứ điểm đã có nhà bia tưởng niệm di tích do các CCB thuộc Sư đoàn 320A quyên góp xây dựng. Đồng thời, cũng chính những cựu binh ấy đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 2 cứ điểm là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nói về lý do đứng ra tổ chức việc xây dựng nhà bia tưởng niệm ở 2 điểm cao này, CCB Lê Mạnh Hải, Phó thường trực Ban liên lạc, bạn chiến đấu Sư đoàn 320 tại Nghệ An – Hà Tĩnh xúc động cho biết: "Sư đoàn chúng tôi trưởng thành và trải qua nhiều trận chiến đấu ở Chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971 (hay còn gọi chiến dịch đường 9 Nam Lào). Năm 1972 đơn vị chúng tôi được điều vào chiến trường mới ở Bắc Tây Nguyên. Tại đây, điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn, gian khổ, lương thực thiếu thốn. Trong khi đó, việc vận tải trang bị chiến đấu chúng tôi đều thực hiện bằng sức người (mang, vác, cõng), mà lực lượng máy bay địch, các thám báo hoạt động liên tục để tìm, tiêu diệt đơn vị. Chính vì phải chiến đấu trong điều kiện cam go, khốc liệt như vậy nên chúng tôi có tình đồng đội, đồng chí đặc biệt… Sau giải phóng, các CCB Sư đoàn 320 cả nước nói chung, các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại điểm cao 1015 và 1049 đều tâm nguyện mong muốn quay trở lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống, nằm lại nơi này".

CCB Lê Mạnh Hải (đội mũ tai bèo) – người khởi xướng và trực tiếp tổ chức triển khai xây dựng nhà bia tưởng niệm

“Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng tôi liên hệ và làm việc với Tỉnh ủy Kon Tum, rất may chúng tôi nhận được sự quan tâm, đồng tình nhất trí cao. Tỉnh Kon Tum còn giao các ngành phối hợp với chính quyền địa phương cùng chúng tôi khảo sát địa điểm để chúng tôi triển khai xây dựng nhà bia tưởng niệm. Đồng thời hoàn tất hồ sơ để công nhận đây là 2 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Khi chúng tôi vừa xây dựng xong, chưa hoàn thành hồ sơ di tích nhưng tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy đã xin được quản lý, bảo vệ và lo hương khói cho các cụ. Ngoài ra, tiến hành sửa chữa đường xá, tổ chức trồng cây xung quanh di tích. Điều này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ và nhân dân địa phương nơi đây, chúng tôi thật sự xúc động”, ông Hải tâm sự.

CCB Lê Mạnh Hải cho biết thêm, trong quá trình xây dựng 2 nhà bia tưởng niệm, đích thân ông dẫn đoàn cùng với nhiều CCB khác ở độ tuổi “Thất thập cổ lai hi” đến dựng lều, trại ở ngay tại di tích, rồi trực tiếp tham gia mở móng và trông coi việc xây dựng.

Các CCB Trung đoàn 320 hành hương về di tích, tưởng nhớ đồng đội

“Để có được 2 nhà bia tưởng niệm như hôm nay quả thật rất gian nan, vất vả, trải qua gần 4 tháng xây dựng từ 12.2017 đến tháng 4.2018 mới hoàn thành. Hiện nay tâm niệm của chúng tôi đối với những đồng đội ngã xuống đã thành hiện thực. Tuy nhiên, bản thân tôi cũng như nhiều CCB Sư 320 khác mong muốn tỉnh Kon Tum và các nhà Sử học cần đánh giá lại 2 trận đánh ở điểm cao 1015 và 1049, từ đó sớm có phương án đưa 2 di tích này vào cụm Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh, vì nó không thể tách rời, nếu không có 2 trận đánh và thắng lợi này, các lực lượng chưa thể tiến đến giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh vào ngày 24.4.1972. Thứ 2, nên khảo sát đánh giá và mở rộng để khoanh vùng di tích. Thứ 3, là vấn đề giao thông, cần đầu tư con đường kiên cố lên 2 di tích này để thuận tiện cho việc “tri ân” những người đã năm xuống và quảng bá, phát triển du lịch địa phương”, ông Hải kiến nghị.

…và trách nhiệm của thế hệ trẻ!

Chúng tôi may mắn đến thăm cao điểm 1015 - Sạc Ly (nay thuộc địa phận xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) và cao điểm 1049 - Delta (thuộc địa phận xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) đúng dịp lãnh đạo huyện Sa Thầy cùng UBND các xã dâng hương tưởng niệm 48 năm ngày các chiến sỹ thuộc Sư đoàn 320A hi sinh trong cuộc chiến (hay còn gọi là ngày giỗ trận 21.4.1972 – 21.4.2020).

Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức dâng hương, chăm sóc, bảo vệ di tích

Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, nếu không có việc các CCB Sư đoàn 320 xây dựng bia tưởng niệm tại điểm cao 1015 và 1049 thì chúng tôi, những thế hệ đi sau sẽ không bao giờ biết được chính nơi mình sinh sống, làm việc từng ghi nhận những trận đánh anh dũng, chấp nhận hi sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

“Sau khi được các bác CCB Sư đoàn 320 bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Xã thành lập tổ bảo vệ di tích, hàng tháng vào ngày mùng 1 và ngày rằm lãnh đạo địa phương đều lên quét dọn, thắp hương. Đặc biệt, vào những dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm chúng tôi tổ chức đón các đoàn CCB đến thăm di tích. Hàng năm xã trích 1 phần kinh phí để tu bổ, tôn tạo và tổ chức trồng cây xanh xung quanh di tích”, ông Tuyến cho biết thêm.

Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong chia sẻ: “Từ khi nhận bàn giao di tích năm 2018 đến nay, tất cả những ngày rằm, mùng 1, những ngày lễ, đại hội… lãnh đạo UBND xã đều đến đây làm lễ, thắp hương. Đây là điểm “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân trong xã. Các trường học trên địa bàn xã cũng tổ chức đưa các em học sinh đến di tích để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, qua đó giải thích cho các em cũng như người dân trong xã vì sao có di tích này”.

Cần sớm được đầu tư, xây dựng đường lên 2 điểm di tích để thu hút du lịch tâm linh

Trao đổi với P.V Báo Văn Hóa, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Việc bảo vệ di tích, chăm sóc hương khói cho các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại 2 điểm cao này là trách nhiệm của địa phương và thế hệ trẻ sau này. Mặc dù đường sá đi lại khó khăn nhưng hằng năm huyện, xã đều tổ chức rất nhiều hoạt động tại 2 di tích để giáo dục truyền thống yêu nước và nêu cao tinh thần uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ.

“Trước mắt huyện đã có báo cáo UBND tỉnh và Tỉnh ủy cho phép quy hoạch 2 điểm này vào quần thể di tích quốc gia đặc biệt Đắk Tô – Tân Cảnh để lan tỏa, thu hút khách tham quan, du lịch khi đến Đắk Tô – Tân Cảnh và 2 điểm di tích này. Từ đó, thu hút các nguồn đầu tư, tạo điều kiện phát triển 2 di tích này trong quần thể chung đó. Riêng đối với chính quyền huyện, sắp tới sẽ đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển du lịch tâm linh gắn liền với 2 di tích này và di tích Chư Tan Kra”, ông Sâm thông tin.

Chia tay Sạc Ly, Delta trong niềm cảm xúc dâng lên khó tả, chúng tôi tin rằng 2 nhà bia tưởng niệm di tích này không chỉ là nơi ghi dấu chiến công, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, mà còn là nơi để các nhân chứng lịch sử gặp gỡ, ôn lại truyền thống lịch sử, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Và nếu có sự quan tâm, đầu tư đúng mức, nơi đây sẽ là nơi thu hút du khách gần xa đến tham quan, tìm hiểu.

NGỌC HÒA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top