Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Cựu chiến binh Mỹ Ted Engelmann: Kể chuyện Việt Nam qua ngôn ngữ ảnh

Thứ Sáu 01/05/2020 | 10:46 GMT+7

VHO- Ted Engelmann đã chụp hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam suốt mấy chục năm qua. Đó là những hình ảnh mang một phần ký ức đau thương của chiến tranh, chất chứa nhiều câu chuyện không thể nói hết bằng lời…

 Thông điệp “Vietnam a country, not a war” được cựu binh người Mỹ nhấn mạnh trong các cuộc trò chuyện nhiếp ảnh về Việt Nam

“Vietnam a country, not a war”

Dòng chữ trên tấm namecard của Ted Engelmann: Vietnam a country, not a war (Việt Nam là một đất nước, không phải một cuộc chiến), là thông điệp mà nhiếp ảnh gia, cựu chiến binh người Mỹ này truyền tải đến mọi người suốt những năm qua. Ông đã đi khắp nơi trên dải đất hình chữ S, ghi lại những hình ảnh phản ánh sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam sau những đau thương, mất mát của chiến tranh tàn khốc. Những bức ảnh giúp người dân Mỹ hiểu hơn về quốc gia nhỏ bé này, đưa đến những góc nhìn mới để định hình lại suy nghĩ và cảm xúc, nhưng trên hết, nó giúp hàn gắn vết thương chiến tranh mà các cựu chiến binh Mỹ như Ted đã trải qua ở Việt Nam.

Thỉnh thoảng, bên hồ Ngọc Hà, Hà Nội, người ta lại bắt gặp một người nước ngoài dáng cao gầy cầm máy ảnh đi vòng quanh bấm chụp. Đó là cựu chiến binh Ted Engelmann tới thăm nơi còn lưu lại một phần xác chiếc máy bay B52 của quân đội Mỹ bị bắn rơi trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Ted Engelmann trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh vào năm 1989, khi quan hệ Việt - Mỹ chưa được bình thường hóa. Thời điểm này, đây là điều rất ít cựu binh Mỹ dám làm, bởi chấn thương tâm lý của người Mỹ sau cuộc chiến tranh tàn khốc này vẫn còn quá lớn, đã dựng lên một rào cản kiên cố khiến những con người bước ra từ đó khó có thể đối diện.

Hồi ức cuộc chiến cứ trở đi trở lại. Ted kể, ông được phái sang Việt Nam từ tháng 3.1968 - 3.1969, khi mới ngoài 20 tuổi, chiến đấu trong lực lượng không quân Hoa Kỳ. Cha của Ted là một phóng viên ảnh nên ông sống trong thế giới nhiếp ảnh từ khi còn rất nhỏ. Đến Việt Nam, trong hành trang ông mang theo cũng có một chiếc máy ảnh. Đóng quân ở Rạch Giá, Kiên Giang, Ted đã chụp rất nhiều cảnh những người nông dân Việt Nam gặt lúa, đánh cá, sinh hoạt ngày thường, đến các thiết bị chiến tranh, các hoạt động của quân đội Mỹ… Chính vì đi sâu vào đời sống để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, chàng thanh niên đã thay đổi cách nhìn về cuộc chiến và cả những hành động, suy nghĩ của ông sau này.

Vượt qua ký ức chiến tranh

Một lần cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, Ted ngồi trên máy bay của không quân Mỹ rải chất da cam xuống vùng Biên Hòa. Như mọi lần, Ted cũng đưa máy ảnh ra chụp, nhưng những vệt rừng xám xịt phía dưới khiến ông hoảng sợ. Trong một phút luống cuống, ngón tay Ted che mất một phần ống kính. Nhưng tất cả, những cánh rừng chết và cả vết ngón tay đều hiện rõ trên bức ảnh in ra. Nỗi ám ảnh về cuộc chiến tăng dần, chạy dọc theo vết loang hủy diệt mang màu da cam. Ted bảo: “Chúng tôi đã làm một việc mà không biết rằng nó lại nguy hại đến môi trường, con người và cả những thế hệ sau đến thế”.

Tuy chỉ ở Việt Nam một năm, nhưng ảnh hưởng cảm xúc tâm lý trước ranh giới sinh tử của chiến tranh đã trở thành ác mộng hằng đêm và như một vết thương luôn rỉ máu trong trái tim Ted. Điều này đã thôi thúc Ted quay lại Việt Nam để sẵn sàng đối diện với chính mình, đối diện với hậu quả thảm khốc mà ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp cùng quân đội Mỹ gây ra. Nhưng những gì chiếc máy ảnh của Ted chụp được trong lần trở lại ấy, lại cho ông một cảm giác khác: cảm giác hồi sinh của một vết thương đã được chữa lành.

Kho ảnh đồ sộ của Ted thời hậu chiến, thời Việt Nam mở cửa và từng ngày phát triển chứa đựng những vẻ yên bình, đẹp đẽ, những con người nồng hậu, yêu thương và độ lượng, như hình ảnh anh em Trí - Trang đang chơi đùa mà Ted chụp được ở hồ Ngọc Hà năm 1989, rồi mấy năm sau trở lại, Ted đã tìm kiếm và tiếp tục chụp hai nhân vật này, để cho ngôn ngữ nhiếp ảnh tự kể câu chuyện về sự thay đổi của Việt Nam. Đó cũng là sự thay đổi trong chính con người của cựu binh Mỹ, khi những sợi dây gắn kết giữa ông với Việt Nam cứ thế nối gần. Cũng chính ông là người đầu tiên, vào năm 2005, đem đến cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm chiếc đĩa CD chứa những hình ảnh của cuốn nhật ký. “Sau khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi hiểu được tinh thần đấu tranh cho chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sau này, mỗi lần trở lại Việt Nam tôi đều đến chụp ảnh tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm đặt tại Trường Bưởi (THPT Chu Văn An, Hà Nội).

Trong một buổi trò chuyện với chủ đề “Ký ức Việt Nam của Ted” diễn ra ở Hà Nội cuối năm 2019, cựu binh Mỹ giở ra những bức ảnh mà ông đã cẩn thận chọn lọc để lần lượt kể câu chuyện về Việt Nam. Đó là công việc mà ông đã thực hiện suốt bao nhiêu năm qua. Ông bảo, đã không biết bao nhiêu lần mình mang những bức ảnh chụp ở Việt Nam - cả trong chiến tranh và những tháng năm hòa bình để đi triển lãm khắp nước Mỹ, tổ chức nhiều buổi nói chuyện với các cựu chiến binh, sinh viên các trường đại học, học sinh các trường phổ thông. “Cuối cuộc trò chuyện đó, bao giờ tôi cũng nhấn mạnh câu: Vietnam a country, not a war! như một thông điệp về Việt Nam mới. Tôi muốn tất cả chúng ta cùng bù đắp những tổn thương quá khứ, nhìn về phía trước, hướng tới một tương lai tốt đẹp”. 

 NGỌC HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top