Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Nâng cao nhận thức pháp luật thực hiện nếp sống văn minh lễ hội

Thứ Tư 06/05/2020 | 09:58 GMT+7

VHO- Không ít lễ hội lớn đã từng là “điểm nóng” trước đây bởi những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, trái ngược thuần phong mỹ tục thì nay, những biểu hiện tiêu cực đó đã giảm, đời sống lễ hội đang ngày càng đi vào nề nếp.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội đã góp phần “gạn đục khơi trong”, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện nếp sống văn minh, đảm bảo tinh thần của Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

 Nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội

Chuyển biến rõ nét

Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã thiết lập một hàng lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về lễ hội, trong đó có nội dung thực hiện nếp sống văn minh. Sau khi Nghị định được triển khai, nhiều địa phương, đặc biệt tại những nơi có các lễ hội lớn, di tích trọng điểm đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Từ đó, đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh lễ hội.

Tại lễ hội Đền Trần (Nam Định), sau nhiều năm thực hiện Đề án đổi mới tổ chức lễ khai ấn nhằm khắc phục những hiện tượng chen lấn, xô đẩy..., đến nay, công tác tổ chức đã dần đi vào nề nếp. BTC lễ hội thường xuyên tuyên truyền về những quy định nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người trẩy hội đền Trần. Những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc ấn, ném tiền lên kiệu ấn... từng tạo cách nhìn sai lệch về lễ hội đã dần được đẩy lùi. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL, BTC lễ hội Đền Trần chỉ tổ chức những nghi lễ truyền thống. Việc phát ấn và các hoạt động phần hội được quyết định dừng lại để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. “Chúng tôi nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo từ các Công điện, Chỉ thị, Công văn của Chính phủ và Bộ VHTTDL. Những nội dung này được thường xuyên tuyên truyền trên loa, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng. Bên cạnh đó, tại di tích cũng phát đi thông tin yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, đảm bảo giãn cách...”, BQL di tích Đền Trần-chùa Tháp cho biết.

Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng là nội dung được BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) chú trọng. Theo đó, căn cứ hệ thống văn bản quản lý, chỉ đạo của Nhà nước và Bộ VHTTDL, nhiều năm qua tại di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, BQL đã ban hành nội quy, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại nơi thờ tự và lễ hội. Nội quy chấn chỉnh các nội dung cụ thể như: Các hiện tượng ăn mặc phản cảm, ứng xử thiếu văn minh khi vào di tích; hạn chế thắp hương, đốt nến; giảm đốt vàng mã. “BQL di tích phối hợp với chính quyền địa phương đã ra các quy chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động dịch vụ. Tại Kiếp Bạc, các thầy viết sớ đã được chuyển vị trí ra ngoài khuôn viên trước nghi môn, hạn chế hiện tượng mời chào, chèo kéo du khách dẫn đến mất an ninh trật tự. Hàng quán cũng được chấn chỉnh, sắp xếp phù hợp với cảnh quan và thẩm mỹ. Các hiện tượng lôi kéo, ép giá đã giảm hẳn do những cam kết trong thực hiện giữa địa phương và chủ hộ kinh doanh”, theo BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Những chuyển biến rõ nét tương tự cũng được ghi nhận qua theo dõi thực tế tại các lễ hội lớn như Yên Tử, Cửa Ông (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Đền Sóc (Hà Nội), Đền Trần (Thái Bình), Bái Đính (Ninh Bình)... Đặc biệt, một số lễ hội trước đây thường xuất hiện những hình ảnh chen lấn, phản cảm thì đến nay, ý thức người tham gia lễ hội được nâng cao như tại hội Lim, lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội đền Sóc (Hà Nội), hội phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc)...

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại nhiều lễ hội lớn vẫn còn một số biểu hiện tiêu như hiện tượng mê tín dị đoan, dịch vụ hàng quán lộn xộn, ý thức người tham gia lễ hội còn hạn chế, ứng xử thiếu văn hóa, tình trạng chen lấn, mất trật tự...

Một trong những giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế nói trên được các BQL thực hiện vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách. Theo BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, giải pháp quan trọng là tăng cường vai trò quản lý, hiệu lực của các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quảng bá, thuyết minh, tuyên truyền về các giá trị văn hóa của di tích, quảng bá về nội dung lễ hội tới nhân dân và du khách. Đặc biệt, chú trọng công tác trang trí, tuyên truyền trong khu vực di tích, tăng cường thông báo, phát thanh trên hệ thống loa tuyên truyền về các Nghị định, Công điện, Chỉ thị mới nhất của Chính phủ...

Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn nhân dân tham gia các hoạt động lễ hội theo tinh thần thực hiện nếp sống văn minh lễ hội; bố trí, sắp xếp hòm công đức hợp lý, nơi đặt tiền giọt dầu, lư hương, hạn chế đốt vàng mã. Cử người trực tiếp hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ không ném tiền bừa bãi, gài tiền vào tượng cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, lễ hội... Việc làm này đã giúp cho nhân dân và du khách thập phương nhận thức nhiều hơn về giá trị cũng như ý thức, trách nhiệm đối với lễ hội ngày càng được nâng cao.

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, với việc liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về hệ thống các văn bản quản lý, tại nhiều di tích, lễ hội lớn, ý thức của người dân đã nâng cao rõ rệt. “Không còn hiện tượng tiền lẻ rải tràn lan khắp không gian lễ hội, những mâm lễ vàng mã chất ngất hay các hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong không gian lễ hội cũng đã giảm hẳn...”, theo Cục Văn hóa cơ sở.

Một số lễ hội còn tồn tại những hình ảnh, hiện tượng phản cảm qua từng năm cũng đã kịp thời được cơ quan quản lý Nhà nước các cấp chấn chỉnh, tiếp tục được yêu cầu đưa ra các giải pháp quản lý như hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)...

Năm nay, mùa lễ hội đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt với diễn biến khó kiểm soát của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhiệm vụ tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội vẫn được các địa phương, di tích, lễ hội đặc biệt chú trọng. Từ đó, người dân liên tục được cập nhật những thông tin, thực hiện nghiêm túc mọi khuyến cáo, chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL về các giải pháp phòng chống dịch cũng như các quy định pháp luật liên quan. 

  NAM ĐỊNH: Đẩy mạnh tuyên truyền

Nhận thức rõ ý nghĩa Chỉ thị 41-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW gắn kết chặt chẽ với việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12.01.1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20.2.2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm.

Sở VHTTDL tỉnh Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền về các nội dung của Chỉ thị và các văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội; qua đó biểu dương những nét đẹp, giá trị trong các lễ hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong lễ hội, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và vai trò của các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo. NGÂN THẢO

PHÚ YÊN: Nâng cao nhận thức cộng đồng

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTTDL Phú Yên, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân thường xuyên được tăng cường. Bên cạnh đó là biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát để giảm tối đa các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong lễ hội... Cụ thể là các giải pháp nâng cao ý thức tham gia lễ hội của du khách, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích. Bài trừ các hiện tượng thái quá làm biến dạng ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội, dẫn đến tình trạng tổ chức cúng tế tràn lan, lãng phí, phô trương... MINH NGỌC

PHƯƠNG MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top