Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Phải học để giữ vững và xây dựng đất nước”

Thứ Hai 11/05/2020 | 11:59 GMT+7

VHO- Cách đây hơn 60 năm, trên hành trình tới Căn cứ địa Việt Bắc để chuẩn bị cho công cuộc toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 8 chữ vàng: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi để đặt tên cho những cận vệ riêng của Người.

 Ông Tạ Quang Chiến

Cho đến hôm nay, bảy trong số tám người đã mất, chỉ còn lại duy nhất ông Tạ Quang Chiến.

Vinh dự được Bác đặt tên

Bước sang tuổi 95, sức khỏe đã yếu đi nhiều, nhưng khi được hỏi về những kỷ niệm lúc còn bảo vệ Bác, ông Chiến lại trở nên minh mẫn đến ngạc nhiên. Từng câu chuyện được ông nhớ rõ như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua. Và gương mặt ông hiện rõ vẻ tự hào, niềm hân hoan khó tả khi nói về những kỷ niệm ấy.

Ông kể, tên khai sinh của ông là Nguyễn Hữu Văn. Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, ông sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng khi chỉ mới 18 tuổi và hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu. Năm 1945, ông được đồng chí Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ Thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến tranh nổ ra, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), bộ phận bảo vệ Bác rút gọn lại chỉ còn tám người. Ông may mắn khi được ở trong số những người đi theo Bác. Làm đủ mọi việc từ công tác văn phòng, liên lạc, hậu cần cho đến thư ký, bảo vệ… tám chiến sĩ được Bác yêu mến, đặt cho những cái tên đầy ý nghĩa: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Nói về điều này, ông cho biết, trong hành trình di chuyển về Căn cứ địa Việt Bắc, lúc ngồi quây quần đốt lửa để sưởi ấm sau một ngày vất vả, Bác Hồ đã nhìn mọi người và nói: “Hôm nay Bác đặt lại tên cho các chú theo thứ tự vòng tròn các chú đang ngồi nhé”. Đặt tên xong, Bác hỏi: “Các chú có biết tại sao Bác đặt tên như vậy không? Nhiệm vụ của Bác cháu ta hiện nay vừa là trước mắt, vừa lâu dài cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa cuộc kháng chiến này đi đến thắng lợi. Vì vậy, đặt lại tên cho các chú để các chú trở thành khẩu hiệu sống bên Bác, nhắc nhở mọi người mỗi ngày phải hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Sau khi được Bác đặt tên, cả tám người đều rưng rưng nước mắt như được sinh ra lần thứ hai. Họ càng quyết tâm dốc sức cùng Bác, cùng cả dân tộc chiến đấu thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, đúng với ý nghĩa mà tám cái tên ghép lại.

Đến năm 1955, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hoà bình lập lại, có lần mấy anh em thưa với Bác: “Nay đã hoà bình rồi, xin Bác cho đổi tên đồng chí Kháng là Hoà, đồng chí Chiến là Bình ạ”. Bác liền nói: “Không được đâu! Có kháng chiến mới có hoà bình”. Hiểu được ý Bác, đồng chí Kháng và Chiến quyết mang tên đó theo mình suốt cả đời. Bản thân ông Chiến lấy thêm họ và tên đệm Tạ Quang vì sự ngưỡng mộ dành cho đồng chí Tạ Quang Bửu.

Mãi noi gương Bác

Những ngày ở Chiến khu Việt Bắc vô cùng khó khăn, gian khổ, trong tâm trí ông Chiến luôn khắc sâu hình ảnh Bác Hồ, dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn quan tâm, lo lắng, chăm chút cho các chiến sĩ từng ly từng tí, khiến ông tự nhủ phải học tập, noi gương Người. Suốt một đời phấn đấu, trở lại thời bình, ông Chiến được tin tưởng giữ các chức vụ Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu lịch sử Đảng, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (giai đoạn 1981-1992) và là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Đến khi về hưu, ông vẫn không ngừng nỗ lực rèn luyện bản thân.

Anh Nguyễn Vinh Quang (con trai cả ông Chiến) cho biết: “Cha tôi luôn dặn con cháu phải học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ, sống đoàn kết, yêu thương nhau, đặc biệt phải biết tiết kiệm. Ông cũng nhắc nhở mọi người, nhất là lớp trẻ, phải luôn cố gắng trau dồi kiến thức, học tập suốt đời như Bác Hồ và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông rất hy vọng lớp trẻ sẽ làm nên kỳ tích cho đất nước”.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Chiến vẫn hằng ngày đọc sách, nghe đài vànhờ con cháu trong nhà giúp cập nhật tin tức mới trên mạng internet bởi ông luôn nhớ lời Bác dạy: “Phải học, học để giữ vững và xây dựng đất nước”. 

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top