Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Tìm về những nơi lưu dấu tuổi thơ của Người

Thứ Sáu 15/05/2020 | 11:16 GMT+7

VHO- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 10 năm gắn bó với Huế (từ 1895-1901 và 1906-1909). Đó là những năm tháng ý nghĩa của thời thơ ấu và niên thiếu để hun đúc nên tình yêu quê hương, đất nước trong Người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan, TP Huế (9.2019)

 Tới Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) trong những ngày tháng Năm lịch sử này, chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến nhiều đoàn người tìm đến ngôi nhà thuở thiếu thời của Bác.

Nơi lưu dấu tuổi thơ Bác Hồ

Ngôi nhà mái tranh giản dị nằm nép mình bên dòng sông Phổ Lợi hiền hòa, vách ghép ván, được dựng theo kiểu 3 gian 2 chái truyền thống của người Huế. Đây là nơi Bác Hồ cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha vào Huế sinh sống trong 2 năm (1898-1900) và cũng là nơi Người bắt đầu học những nét chữ đầu tiên. Trong ngôi nhà ấy vẫn còn lưu lại nhiều kỷ vật như bộ phản gỗ cụ Nguyễn Sinh Sắc từng ngồi dạy học, chiếc giường ngủ của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung, chiếc rương cũ kỹ đựng đồ đạc... Nối với ngôi nhà chính là gian bếp nhỏ, vách trát đất, là nơi ba cha con nấu ăn trong suốt 2 năm ở làng quê bình dị này. Sống tại đây, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hòa nhập với đời sống cộng đồng làng xã, chứng kiến cuộc sống lao động nhọc nhằn của những người nông dân chân lấm tay bùn... Chính điều đó đã góp phần hình thành nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng trong Người.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27.3.1990. Anh Lê Văn Cường, người đã có gần 10 năm làm công tác hướng dẫn, thuyết minh ở đây vẫn xúc động như lần đầu tiên được tới làm việc: “Tôi rất vinh dự và tự hào với công việc của mình, hạnh phúc khi mình được góp chút sức lực nhỏ bé vào công tác tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Đặc biệt là góp phần giáo dục truyền thống về tình yêu Tổ quốc cho thế hệ trẻ. Bản thân tôi cũng học tập được nhiều điều từ tư tưởng và phong cách của Bác và thấy mình trưởng thành hơn trước rất nhiều”.

Những ngày này, các đoàn viên thanh niên huyện Phú Vang đã tiến hành trồng và chăm sóc con đường hoa từ chợ Dương Nỗ về Nhà lưu niệm Bác Hồ. Anh Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Huyện đoàn Phú Vang cho biết: “Phong trào Ngày Chủ nhật xanh của những người trẻ trên địa bàn đã dành kế hoạch để xây dựng tuyến đường hoa từ chợ Dương Nỗ đến Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người”.

Thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản về Người

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế cho biết: “Nhà lưu niệm của Bác Hồ ở làng Dương Nỗ cũng gắn liền với nhiều di tích như đình Dương Nỗ, nơi Bác từng đến tham gia các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng cùng nhân dân địa phương; Bến Đá ven sông Phổ Lợi; di tích Am Bà, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường đến học bài, đọc sách...”

Học sinh tham quan và học tập tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có gần 20 di tích và cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 4 di tích cấp Quốc gia. Những năm qua, ngành văn hóa địa phương đã thực hiện tốt việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản về Người; góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có chuyến thăm và dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan, TP Huế. Thủ tướng đã đánh giá cao công tác lưu giữ, bảo tồn di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế, đồng thời đề nghị và mong tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa để phát huy các di sản quý giá này.

“Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có định hướng để ngành văn hóa xây dựng hồ sơ đề nghị cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Hiện Sở VHTT đã có văn bản xin ý kiến Bộ VHTTDL”, bà Lê Thùy Chi cho biết. “Chúng tôi cũng đã xây dựng đề án “Phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hệ thống di tích gắn với phát triển du lịch”. Trong đó, đẩy mạnh công tác tôn tạo, tu bổ di tích; quảng bá trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền về cơ sở; phối hợp với các hãng du lịch để quảng bá thu hút khách tham quan. Đồng thời, đề xuất xây dựng đề án bổ trợ các khu dịch vụ kèm theo ở các di tích để phục vụ du khách và tạo được sản phẩm du lịch phù hợp”, bà Chi thông tin thêm.

Theo thống kê, trong năm 2019, có hơn 120.000 lượt khách đến tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế và các điểm di tích về Bác tại Huế, trong đó có hơn 9.000 lượt là khách nước ngoài. 

 SƠN THÙY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top