Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Ngắm lại”... Hoa Xuân Tứ

Thứ Hai 18/05/2020 | 09:29 GMT+7

VHO- Mất đôi tay sau một tai nạn khủng khiếp khi mới chỉ là đứa trẻ lên ba, bốn tuổi, nhưng bằng nghị lực hiếm có, ông Hoa Xuân Tứ (xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) đã biến cằm, vai và chân của mình như hai bàn tay để học, lao động như những người bình thường khác. Chỉ có điều ông không thể cầm cày, bừa. 

Cũng nhờ những nỗ lực không biết ngừng nghỉ ấy, năm 1966, ông vinh dự là một trong sáu thiếu nhi trong toàn quốc được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. Nỗ lực học theo lời dạy của Bác tại Đại hội, giờ đây ông Tứ đã trở thành biểu tượng về nghị lực phi thường. Cho đến hôm nay ông vẫn là tấm gương cho biết bao người phải noi theo… 

  Ông Hoa Xuân Tứ tại Chương trình giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh – Hành trình khát vọng 2020” 

Tuổi thơ bất hạnh 

Những ngày trung tuần tháng 5 này, ông Hoa Xuân Tứ đã 70 tuổi lại có thêm vinh dự khi được ra Hà Nội dự Chương trình giao lưu điển hình tiên tiến toàn quốc về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh-Hành trình khát vọng 2020” do Ban Tuyên giáo Trung ương và VTV tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Đã được các thế hệ đi trước kể về tấm gương nghị lực phi thường của ông và được đọc nhiều sách, báo nói viết về ông, nhưng khi gặp ông bên lề của chương trình, những câu chuyện ông kể vẫn khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ, khâm phục. Nước da đen sạm nắng sương với một cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, song lòng ông vẫn luôn sáng trong những lời căn dặn của Bác năm xưa… 

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi trưa năm 1954 khi đó cậu bé Hoa Xuân Tứ chỉ mới 4 tuổi. Thời đó, làng Hưng Nhân nơi ông ở trồng nhiều mía. Hằng ngày, ông thường theo anh trai đi ép mía, lấy mật. Hôm đó, anh trai ông có việc, không trông coi máy. Thơ dại, lại có tính nghịch ngợm, ông Tứ lén lút bắt chước anh mình đưa mía vào ép. Thay vì rút tay ra khi mía vào guồng, ông lại đưa tay đẩy theo. Một bàn tay bị cuốn vào trục. Hoảng sợ, ông Tứ la lên rồi lấy tay còn lại để kéo tay kia ra. Thế rồi cả hai tay đều bị cuốn vào máy, nghiền nát đến tận bả vai. Nghe tiếng kêu thất thanh của con trẻ, dân làng chạy tới nhưng cũng chỉ cứu được tính mạng. Còn đôi tay thì vĩnh viễn chẳng bao giờ lấy lại được. 

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, ai cũng nghĩ sau tai nạn khủng khiếp đó, cuộc đời ông Tứ cũng sẽ thê thảm như đôi bàn tay ấy. Dù mới bốn tuổi nhưng khi đó, ông Tứ đã phần nào hiểu những mất to lớn của mình. Nhưng bằng sự ham học, ông vẫn cố xin bố mẹ cho đến lớp. Thương con thiệt thòi, bố mẹ ông cũng chỉ biết động viên: “Không có tay, làm sao viết chữ được hả con?”. Đau nỗi đau thể xác, nhưng điều làm ông Tứ tổn thương hơn cả là việc mình không được đi học. Mỗi sáng, các bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường thì cũng là lúc ông lẽo đẽo bước theo sau: “Thấy tôi không có tay, chẳng thầy cô nào đồng ý cho vào lớp vì nghĩ không viết được”, ông Tứ chia sẻ. Đứng ngoài lớp, ông Tứ lặng lẽ nhìn giáo viên dạy các bạn viết chữ rồi về nhà lủi thủi tự dùng que, gạch kẹp vào đầu ngón chân, tập viết ra sân. Ông nói cái khổ nhất của tập viết bằng chân là bị chuột rút. Có khi đang cố viết, chuột rút khiến ông ngã ngửa ra sân, đau méo cả mặt. Cha mẹ cũng vì thế hốt hoảng theo. 

Ông Hoa Xuân Tứ viết chữ bằng cằm

Thế rồi khi viết thành thạo bằng chân, thấy Tứ ham học, thầy cô lại cho vào lớp. Được sắp xếp ngồi riêng một chỗ, chẳng cần ghế, ông Tứ phải ngồi hẳn lên bàn để viết. Dần thấy ngồi như vậy không phù hợp trong lớp, ông Tứ về nhà luyện thêm viết bằng cổ và cằm để có thể ngồi ghế học. Không nhớ bao nhiêu lần áo, mặt nhem nhuốc vết mực loang, chỉ nhớ ngày ngày nhìn vào trang vở thấy dòng chữ viết ngày một rõ nét, cả thầy và trò đều mừng khó tả. Nhiều lúc, thầy cô không dám tin những điều kỳ diệu mà cậu học trò đặc biệt của mình đã làm được. 

   Lời dạy năm xưa của Người đã thấm vào tâm trí và da thịt tôi. Chính lời dạy đó đã cho tôi động lực vươn lên để không đầu hàng hoàn cảnh, dù đôi khi cũng đã nản chí. Tôi luôn tâm niệm, lời của Người như phương thuốc chữa trị vết thương thể xác, tâm hồn tôi… (Ông Hoa Xuân Tứ) 

Vượt lên chính mình 

Với những cố gắng, nỗ lực phi thường ấy, năm 1966 ông Hoa Xuân Tứ vinh dự được tham gia Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước toàn quốc. Bồi hồi nhớ lại kỷ niệm, ông Tứ bộc bạch: “Đại hội lần đó lớn lắm, cả nước cũng chỉ có 6 thiếu nhi được gặp Bác trong đó có tôi. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất tôi được gặp Người. Biết đến hoàn cảnh của tôi, Bác ân cần hỏi thăm, dặn dò phải gắng sức học, vượt lên số phận để sau này làm việc có ích cho đất nước. May mắn hơn những bạn khác, tôi còn được Bác nhờ bác sĩ Tôn Thất Tùng làm cho đôi tay giả. Những tay giả đã giúp mọi sinh hoạt của tôi trở nên bình thường. Đáng tiếc thay sau trận lũ dữ năm 1978, tôi không còn giữ được đôi tay”. 

Lớn lên lập gia đình, cuộc sống của ông cũng chẳng mấy khá giả hơn. Sinh được 5 người con thì cô con gái thứ 3 chẳng được lành lặn như những người khác. Năm 4 tuổi, chị Hoa Thị Sen bị bạn ném đá trúng đầu dẫn đến bại liệt thần kinh. Bao năm trời, người con tội nghiệp ấy của ông chỉ nằm một chỗ, chẳng nói năng được gì. Nhìn cảnh người cha cụt hai tay chăm con tật nguyền, ai ai cũng không giấu nổi sự xót xa. Nhiều lúc mệt mỏi chỉ muốn buông bỏ nhưng rồi tự nhủ không làm phụ lòng mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm xưa, và vì vợ con, đôi chân ông lại được tiếp thêm sức mạnh để vững vàng bước tiếp. 

Nghị lực vượt khó, hằng ngày người ta vẫn thấy hình ảnh một lão nông cụt hai tay, tóc điểm bạc, lao động hăng say trên cánh đồng bên dòng sông Lam kiếm thêm thu nhập, mong sao gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cảm phục trước nghị lực phi thường của ông, người dân xã Hưng Nhân đã gọi ông bằng cái tên thân thương “chim cánh cụt”, dệt nên câu chuyện cổ tích đời thường. Và cũng sau hơn 50 năm kể từ ngày được gặp Bác, ông Hoa Xuân Tứ một lần nữa được vinh danh tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc năm 2020 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vừa diễn ra tại Hà Nội. Tại chương trình này, ông Tứ đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao biểu trưng vì có thành tích học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông được nhiều nhà tài trợ tặng đôi tay giả và một khoản tiền hỗ trợ…

 ĐÌNH TOÁN 

 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top