Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Lấy ý kiến cộng đồng về Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế

Thứ Hai 18/05/2020 | 11:58 GMT+7

VHO- Từ ngày hôm nay 18.5 đến hết ngày 27.5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Nội dung này được hoàn thiện và trình các cấp phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế trong tương lai.

Kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua 2 giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị: giai đoạn 1996-2010 theo quyết định 105/QĐ-TTg và giai đoạn 2010-2020 theo quyết định 818/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của 2 giai đoạn này chủ yếu là cứu vãn di tích và phục hồi, phát huy giá trị (bước đầu). Việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ hướng đến mục tiêu “tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới”, thực hiện chiến lược phát triển Đô thị di sản Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Du khách tham quan khu di sản Hoàng cung Huế

Trong quá trình thực hiện Quyết định 818/QĐ-TTg (giai đoạn 2010-2020) đã phát sinh một số bất cập như: bất cập về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế; những khó khăn trong bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể; những tồn tại trong bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan; những khó khăn, bất cập trong việc bảo tồn cổ vật; những mâu thuẫn trong việc thực hiện xã hội hóa trong bảo tồn di sản; khó khăn, tồn tại về nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn di tích; khó khăn hạn chế về vật tư truyền thống và chuyên gia; những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của di tích; bất cập trong phân cấp quản lý... Và bất cập lớn nhất, không riêng gì ở Huế mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam chính là hạ tầng kinh tế, văn hóa và du lịch. Đó là hệ thống không gian dịch vụ, tiện ích, trình diễn, sáng tạo, sản xuất, chế tác và thương mại hoá sản phẩm, chuỗi hoạt động tạo nguồn thu, văn hoá và du lịch chưa tương xứng với quy mô và giá trị di sản, hoặc chưa được quan tâm đúng mức, đúng cách. Nguồn thu chính của khu di sản mới chỉ có được từ bán vé tham quan. Đây là một nguồn thu không nhỏ, song còn dưới tiềm năng rất xa. Điều này gây ảnh hưởng tới công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên mọi phương diện, đặc biệt trong việc tạo ra việc làm, làm bớt gánh nặng cho ngân sách, tạo cơ sở khả thi làm hạt nhân tăng trưởng bền vững cho sự nghiệp bảo tồn di sản.

Về dự án Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản lần này do TTBTDTCĐ Huế làm chủ đầu tư, và cơ quan tư vấn là Liên danh MQL và các đối tác (có trụ sở tại Hà Nội).

Các chuyên gia của CHLĐ Đức khảo sát, hỗ trợ trùng tu di tích Điện Phụng Tiên (Hoàng Cung Huế). Ảnh: Bảo Minh

Việc quy hoạch lần này với 5 mục tiêu tổng quát: Phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, tạo sinh lực mới để Huế trở lại vị thế đã từng có trong lịch sử; chuyển hoá Quần thể di tích Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế; phát huy mọi giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn bền vững, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng; bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan Cố đô Huế trọn vẹn, chuẩn mực và bền vững gắn với phát triển Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm di sản quốc gia và toàn cầu. Và hướng đến 10 mục tiêu cụ thể, mà trong đó có kế hoạch cho việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục di sản văn hóa thế giới.

Theo nội dung lấy ý kiến cộng đồng lần này, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế giai đoạn mới, từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2050, có những yêu cầu mới, như: thực hiện các chiến lược phát triển của trung ương và địa phương; khẳng định vai trò, vị thế của Quần thể di tích Cố đô Huế trong chiến lược phát triển Đô thị di sản Thừa Thiên Huế; nghiên cứu, xác định chân xác và đầy đủ cấu trúc không gian và phạm vi bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan, trong đó sông Hương và các chi lưu cùng các quần cư trong Đại nội, Kinh thành, phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, khu nhà vườn Kim Long cần phải được xem như một phần không thể thiếu được của di sản cảnh quan văn hoá thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.

TTBTDTCĐ Huế trưng bày nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng tại di tích Phu Văn Lâu

Thiết lập hệ thống phát huy giá trị di sản một cách chuyên nghiệp và hữu hiệu, hệ thống bao gồm các không gian trưng bày (áp dụng giải pháp bảo tàng hoá), cấu trúc sản phẩm, tiện ích đồng bộ (hoạt động văn hoá, trình diễn đại cảnh-thực cảnh, biểu diễn nhóm, ấn phẩm, hàng hoá lưu niệm, dịch vụ, bản quyền thương hiệu) như một thiết chế bắt buộc đối với từng hợp phần trong quần thể di sản.

Đề xuất giải pháp toàn diện bảo tồn toàn vẹn Quần thể di tích Cố đô Huế, tháo gỡ định kiến coi di sản là yếu tố cản trở đầu tư xây dựng (gánh nặng cho phát triển), tạo cơ hội hoàn thiện di sản cảnh quan văn hoá và mở rộng phạm vi ảnh hưởng tích cực của di sản trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội; quy hoạch sẽ tạo nên dư địa về không gian cho các hoạt động làm tăng giá trị di sản bằng du lịch văn hoá; dung hoà được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển; nghiên cứu các giải pháp quy hoạch đi kèm với tạo ra các tác nhân biến đổi vùng để tạo sức hút đô thị cùng chuỗi các hoạt động tạo nên sức sống mới cho khu vực di sản và thành phố Huế...

Việc quy hoạch cũng cần xem xét lại tính hợp lý trong phân cấp hiện hành, “loại bỏ” sự chồng chéo dễ dẫn đến các tiêu cực như hiện nay. Và phân cấp quản lý Quần thể di tích Cố đô Huế phù hợp với chiến lược phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Và vấn đề quan trọng và then chốt chính là đưa di sản trở về với cộng đồng, mang lại lợi ích cho cộng đồng, theo tinh thần của UNESCO. Đó là “Các cộng đồng chủ nhân và dân cư bản địa phải được tham gia lập quy hoạch cho bảo tồn và du lịch” và “Hoạt động du lịch và bảo tồn phải có lợi cho cộng đồng chủ nhân”.

Người dân TP.Huế quan tâm đến nội dung nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

Việc quy hoạch lần này hướng đến hoàn thiện xây dựng hồ sơ cảnh quan sông Hương là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm...chờ đợi. Còn nhớ tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới vào năm 2004 tại Tô Châu (Trung Quốc), UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Các chuyên gia trong nước cũng đánh giá cao về giá trị cảnh quan sông Hương và nhiều lần khuyến nghị tỉnh này đưa sông Hương vào danh mục cảnh quan cho hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế; tuy nhiên Thừa Thiên Huế vẫn chưa thực hiện. Đến năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO khi đến khảo sát tại Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh chóng thực hiện vấn đề này.

Đề án lần này nhấn mạnh: quy hoạch phải tạo nên hiệu quả kép, làm cơ sở để lập hồ sơ tái đề cử đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới mà không ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của địa phương.

Các nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng được trưng bày tại khuôn viên di tích Phu Văn Lâu (đường Lê Duẫn, TP.Huế) và trên website www.hueworldheritage.org.vn. Người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp tại di tích Phu Văn Lâu, hoặc qua email huedisan@gmail.com

SƠN THÙY 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top