Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Lời ru buồn... của “dân Cư Bung”

Thứ Hai 25/05/2020 | 10:05 GMT+7

VHO- Một ngôi làng với 79 hộ dân phải sống trong cảnh “sáu không”: Không điện, không đường, không trường học, không trạm y tế, không nước sạch và không sổ hộ khẩu. “Lời ru buồn ấy” đang diễn ra ở thung lũng Cư Bung, thuộc xã Ia Le (huyện Chư Pưh, Gia Lai).

 Do đường sá xa xôi, cách biệt lại không có trường học nên chỉ một số trẻ em được đi học

Thung lũng Cư Bung rộng khoảng 229 ha nằm giáp ranh với huyện Phú Thiện (Gia Lai) và huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk). Hiện chính quyền địa phương đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa các hộ dân đến vùng tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài…
Đến cái tên làng cũng… không
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng chừng 20m2, xung quanh che ván gỗ tạm bợ, ông Lê Văn Thịnh (55 tuổi, quê ở Tiền Hải, Thái Bình) chia sẻ: “Năm 2012 tôi đến khu vực này mua 3 ha đất với giá 100 triệu đồng để làm rẫy với mong muốn khi về già có “mảnh đất cắm dùi”, cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Hiện tại vợ và hai con của tôi đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM”. 
Ông Thịnh cho biết thêm, trong vùng núi Cư Bung chủ yếu là dân di cư tự do và một số hộ dân thâm canh sản xuất từ các các vùng giáp ranh. Hộ sống ở đây sớm nhất từ năm 2003, đến năm 2012 thì bà con mới ồ ạt vào khu vực này. Người dân khu vực Cư Bung sống thành nhiều cụm cách xa nhau những mấy quả đồi. Điển hình như cụm 18 người dân tộc Thái (đến từ huyện Thường Xuân, Thanh Hóa); cụm người dân ở các tỉnh miền Tây di dân lên; cụm tổng hợp gồm các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông. Cuộc sống bà con ở đây thiếu thốn đủ bề, đến cái tên làng cũng không có nên mọi người chỉ quen gọi là “dân Cư Bung”.
Ở đây không có đường, không có điện, không trường học, không trạm y tế, không nước sạch và không được đăng ký hộ khẩu. Nhiều năm nay, hàng chục bà con trong vùng vẫn loay hoay đi tìm loại cây trồng thích hợp nhưng đều thất bại vì nắng hạn. Chỉ có cây mỳ (sắn) là “năm được, năm mất” nên cuộc sống của bà con vẫn cứ nghèo đói. Bà con nơi đây mong sớm được tạo điều kiện đến vùng thuận lợi để yên tâm làm ăn, ổn định sản xuất. Trong số “sáu không” ở Cư Bung, điều người dân lo lắng nhất là con em không được học hành vì không có trường học. Hiện ở Cư Bung có khoảng 40 cháu trong độ tuổi đi học, nhưng vì điều kiện khó khăn, điểm trường cách xa hàng chục km nên chỉ có phân nửa trong số đó được đến trường. Gia đình anh Vi Văn Khải (28 tuổi) là một trong số ít hộ dân vẫn cho con đi học. Anh Khải bộc bạch: “Không có trường học, sợ con mù chữ nên vợ tôi đã đưa con sang xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) thuê một căn nhà để tiện cho con đi học (lớp 2). Mỗi tuần, tôi chở cả gia đình vượt qua ngọn núi Chư Mí và suối khoảng 12 km để đưa con ra học, cuối tuần lại ngược ra đón 2 mẹ con về… Vì đi lại khó khăn nên trẻ con trong Cư Bung này cũng nghỉ học gần hết rồi”.
Chính quyền đang tìm cách tháo gỡ
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho chúng tôi biết, “khu vực thung lũng Cư Bung hiện có khoảng 79 hộ với 262 nhân khẩu. Qua rà soát, trong số này có 55 hộ thuộc trường hợp di dân tự do, số còn lại chủ yếu là dân cư vùng giáp ranh đến thâm canh, sản xuất nông nghiệp. Với mục đích giúp các hộ dân đang sống trong cảnh “nhiều không” có cuộc sống ổn định và hưởng các chế độ chính sách, chính quyền huyện Chư Pưh đã xây dựng phương án di dời 55/79 hộ dân khu Cư Bung ra nơi tái định cư tại làng Ia Brel, xã Ia Le”.
Được biết, vừa qua đoàn công tác của Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương đã trực tiếp đến vùng núi Cư Bung gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, đôn đốc chính quyền các cấp thực hiện việc di dời người dân ra khu tái định mới. “Trung ương đã bố trí 5,55 tỉ đồng cho tỉnh Gia Lai để hỗ trợ ổn định cho 55 hộ dân này. Địa phương cũng đã bố trí 550 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời nhà cửa. Hiện nay tỉnh đang cho chủ trương để huyện Chư Pưh lập dự án bố trí dân di cư tự do ra sống tại thôn Ia Brel, xã Ia Le. Qua đó, giúp cho bà con sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài trong năm 2020”, ông Việt cho biết thêm. 
Ông Lê Văn Thạch, Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Chư Pưh cho biết: “Huyện Chư Pưh đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6 ha đất ở làng Ia Brel để làm khu tái định cư cho các hộ dân di cư tự do ở xã Ia Le. UBND huyện cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt chủ trương san ủi mặt bằng, xây dựng đường giao thông trong khu tái định cư, đường giao thông ra khu sản xuất, các hạng mục khác sẽ đầu tư bằng nguồn vốn khác”. 

  Hiện nay tỉnh Gia Lai còn hơn 90 hộ dân di cư tự do đang cần sắp xếp chỗ ở để ổn định đời sống. Đối với 55 hộ ở vùng Cư Bung thì mới đây HĐND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt chủ trương cho phép huyện Chư Pưh lập dự án bố trí dân di cư tự do tập trung tại thôn Ia Brel, xã Ia Le để sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài cho các hộ dân trong năm 2020. Hiện chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các huyện để kiểm tra tình trạng di cư tự do, nhất là các vùng giáp ranh. 
(Ông Y NGUYÊN ÊNUÔL, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai)

 NGỌC HÒA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top