Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Người dân lại "sốc" khi nhận hóa đơn tiền điện: EVN giải thích theo kiểu “dùng nhiều đừng kêu”

Thứ Hai 22/06/2020 | 10:27 GMT+7

VHO- Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa nóng không ít người phải tá hỏa khi nhận được hóa đơn tiền điện. “Điệp khúc” này được lặp đi lặp lại nhiều lần, dường như vẫn chưa có hồi kết.

  Mùa nắng nóng là người dân lại than trời về hóa đơn tiền điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã có tới 3.105.281 khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Tiền điện tăng phi mã là tại “ông trời”?

Theo EVN, hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của điện lực. Do đó, EVN cho rằng, hóa đơn tiền điện tăng đột biến là do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua đã dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh. Khi vào mùa khô ở miền Nam và mùa nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát (đặc biệt là điều hòa) là nguyên nhân chính làm cho điện tiêu thụ của các hộ gia đình tăng cao dẫn đến tiền điện tăng. EVN lý giải, chỉ với các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh/máy điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều và kèm theo đó là chi phí sử dụng điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh và chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.

Nhiều người cho rằng, cách giải thích của EVN như một “câu trả lời thuộc lòng”, năm nào cũng... y chang như vậy. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực điện, lý do hóa đơn tiền điện tăng đột biến ngoài những lý do EVN đưa ra, còn có nguyên nhân là đời sống của người dân hiện nay đã được nâng lên một bước. Người dân cả nước, đặc biệt là người dân ở nông thôn cũng đã lắp máy điều hòa rất nhiều. Dẫn chứng là trong hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt có hóa đơn tiền điện tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.2020 của EVN, thì Tổng công ty điện lực (TCTĐL) miền Bắc có 1.479.748, TCTĐL miền Nam là 753.368, TCTĐL miền Trung là 314.564, TCTĐL TP Hà Nội là 302.445, TCTĐL TP.HCM là 255.156 khách hàng. Bên cạnh đó, có tới 2.355.703 khách hàng sinh hoạt tiêu thụ điện tăng từ 30 – 100% trong tổng số hơn 3,1 triệu khách hàng trên. Trong khi đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang như hiện nay đã lạc hậu.

“Toát mồ hôi” vì tiền điện

Cụ thể, hiện giá điện được tính theo 6 bậc. Bậc 1 (từ 50kWh trở xuống) có mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (từ 51 -100 kWh) có giá 1.734 đồng, bậc 3 (từ 101 - 200 kWh) có giá 2.014 đồng, bậc 4 (từ 201 – 300 kWh) có giá 2.536 đồng, bậc 5 (301 – 400 kWh) có giá 2.834 đồng, còn bậc 6 (từ 401 số trở lên) là bậc cao nhất có mức giá tăng gần gấp đôi là 2.927 đồng/kWh. Theo tính toán của EVN, một hộ gia đình có mức tiêu thụ tháng 4 là 300 kWh thì số tiền điện cần thanh toán là 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này nếu tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh) thì số tiền điện thanh toán là 1.160.885 đồng – tiền điện tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán là 1.643.840 đồng - tăng 138,87% so với tháng 4.

Như vậy, trong tháng 5, có tới hàng triệu hộ gia đình phải trả tiền điện gấp rưỡi, gấp đôi so với tháng trước. Đây là mức tăng “sốc” đối với nhiều gia đình, bởi trời nắng nóng, sử dụng điều hòa và các thiết bị làm lạnh là một nhu cầu thiết yếu. Hiện nay, Bộ Công thương đang lấy ý kiến việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giảm xuống còn 5 bậc, những hộ dùng trên 701 số phải chịu mức giá cao nhất. Còn các hộ sử dụng dưới mức này tiền điện không tăng hoặc giảm. Theo các chuyên gia, Bộ Công thương nên đẩy nhanh việc đưa vào thực hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới này, không nên trì hoãn thêm vì đời sống người dân đã khác trước nhiều, chỉ dùng trên 401 số đã phải chịu giá cao là không hợp lý. Bởi đối tượng khách hàng sử dụng từ khoảng 400 số điện mỗi tháng chiếm khá đông.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, thì người dân tiếp tục phải “vắt óc” nghĩ cách sử dụng điện làm sao để không phải nhận hóa đơn tiền điện gây “sốc”, bởi tiền điện hiện chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách chi tiêu của các gia đình hiện nay. 

Q.XƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top