Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Bệnh” thành tích trong giáo dục lại tái phát (Bài 3) Khi học sinh trở thành “nạn nhân”

Thứ Sáu 14/12/2018 | 09:36 GMT+7

VHO- Trong khi thầy cô giáo phải “gồng mình” để hoàn thành các chỉ tiêu năm học thì học sinh cũng phải chịu sức ép nặng nề từ chương trình, thi cử, lên lớp, chuyển cấp, tốt nghiệp... Với chương trình học nặng nề, học sinh không còn cảm hứng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

 Những sai phạm trong thi cử phần nào tác động đến HS. Trong ảnh: Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trả lời báo chí về những sai phạm trong thi cử ở Sơn La

 Sức ép hoàn thành chương trình trên lớp, các buổi học thêm, rồi bài tập về nhà khiến học sinh không còn thời gian làm quen với thiên nhiên, cuộc sống xung quanh để trau dồi kỹ năng sống.

Áp lực ở trường và thầy cô

Từ những áp lực hoàn thành các chỉ tiêu thi đua và kế hoạch năm học nên nhiều thầy cô giáo triệt để triển khai tới từng lớp học, từng môn học khiến học sinh là đối tượng chịu trận. Áp lực về điểm số đã khiến học sinh đến trường sợ gặp thầy cô giáo khi kết quả học tập của mình không làm hài lòng, khi về nhà lại chịu sức ép từ gia đình, nào là làm bài tập ở nhà, soạn bài mới, làm đề cương, ôn thi... Một thực trạng tồn tại từ lâu nhưng không có giải pháp khắc phục là do các chỉ tiêu thi đua quá nặng, giáo viên gây áp lực với học sinh và gia đình, bắt ép các em phải học, ra đề cương ôn thi rất nặng. Có những bộ đề cương ôn tập gần như bao quát cả chương trình đã học khiến cho học sinh phải học lại chương trình chính khóa một lần nữa.

Chạy theo thành tích với nhiều phương pháp “không phải là sư phạm”, giáo viên còn có hành vi bạo hành học sinh và bắt ép học sinh bằng mọi cách đạt điểm cao để đạt chỉ tiêu thi đua. Những cách như ép học sinh học theo bài mẫu, theo đề thi, học thuộc lòng hay nhờ học sinh giỏi nhắc bài cho học sinh yếu… đều khiến học sinh dần dần không còn hứng thú với học tập.

Rồi tình trạng “làm đẹp bảng thành tích” cũng diễn ra khá phổ biến. Những năm gần đây có tình trạng điểm số của học sinh luôn được giữ ở mức cao, nhiều khi không phản ánh thực học, dẫn đến số lượng học sinh tiên tiến, học sinh giỏi rất cao. Cá biệt có những lớp bậc tiểu học gồm 43 học sinh, cuối năm có 42 học sinh giỏi, 1 học sinh tiên tiến. Đặc biệt, từ vài năm nay, khi học lực, hạnh kiểm, các danh hiệu của học sinh lớp 9 và lớp 12 được coi là những yếu tố xét tuyển vào lớp 10, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thì tình trạng “lạm phát” điểm số ở các khối lớp này tăng rất cao. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hóa) cho biết, qua khảo sát tại một số trường THPT trong năm học 2017 - 2018 cho thấy khoảng 55-60% học sinh đạt khá, giỏi, tỷ lệ này ở lớp 11 và lớp 12 còn cao hơn, lên tới khoảng 70%. Điểm cao được cho là “cào bằng kết quả” không phản ánh đúng thực lực của học sinh, khiến các em giảm hứng thú học tập và có tâm lý ỷ lại.

Giáo dục nguy hiểm nhất là không nhìn nhận năng lực của người học và sự gian dối trong đánh giá người học. Nhiều người ngán ngẩm, dạy một học sinh đã khó, dạy cả lớp học sinh phải biết tính tình, mức độ tiếp thu, độ chuyên cần của từng em thì mới có thể đánh giá đúng và có phương pháp dạy hiệu quả. Và do mức độ tiếp thu khác nhau, trình độ khác nhau nên các em có kết quả học tập khác nhau là đương nhiên. Nhưng từ lâu, những người có trách nhiệm đã xếp học sinh vào các “khuôn” hạnh kiểm, học lực... đã định trước và khoán cho giáo viên thực hiện. Trước đây, vào cuối năm học, khi trường rà soát thấy học sinh nào đuối quá thì cho lưu ban nhưng nay thì khác. Những học sinh này được “bồi dưỡng” thêm kiến thức trong dịp hè để cuối hè kiểm tra lại. Kết quả là số lượng học sinh lưu ban bây giờ rất ít, nhưng “ngồi nhầm lớp” thì không hiếm.

Gia đình cũng tạo áp lực

Học sinh không những phải chịu áp lực từ chương trình nặng nề, mà nhiều khi còn trở thành “nạn nhân” của chính bố mẹ. Là cha mẹ ai cũng muốn con mình học giỏi, có nhiều người tự hào khi con mình ở trong nhóm đứng đầu lớp và áp lực cũng từ đó. Thế nhưng nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến thành tích mà không chú ý đến con cái mình học được điều gì, có khả năng tiếp thu tới đâu và con mình thích gì…

Sự áp đặt bắt con học và học đã dẫn tới sức ép rất lớn lên con trẻ. Nhiều thầy cô giáo và cả phụ huynh có thói quen so sánh học sinh này và học sinh khác với mục đích khích lệ các em cố gắng hơn. Nhưng động thái này nhiều khi vô tình gây tổn thương đến lòng tự trọng của con cái, thậm chí không ít em cảm thấy bị xúc phạm mà không nói ra được, dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Và đã có những chuyện đau lòng xảy ra mà dư luận đã từng đề cập…

Nhiều người nhận xét, những vụ tự tử của học sinh có thể không bột phát hoặc có nguyên nhân từ một cú sốc nào đó, nhưng chắc chắn là hệ quả của cả một quá trình học tập căng thẳng do sức ép của gia đình, nhà trường và chính bản thân các em. Không hiếm học sinh vì bị sức ép từ học tập quá lớn đã phát bệnh hiểm nghèo và trở thành người tàn phế suốt đời. Rõ ràng sự tác động từ áp lực trở thành học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao đến từ nhà trường và gia đình là những nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy khó lường mà học sinh phải gánh chịu.

  Cần bỏ lối giáo dục quyền uy, áp đặt

“Giáo dục ngoài cung cấp kiến thức thì nhiệm vụ cao cả, quan trọng là giúp học sinh tự đứng được trên đôi chân của mình khi đủ 18 tuổi. Cha mẹ, giáo viên phải dạy học sinh biết phân biệt đúng và sai, phải trái và dám đấu tranh trước cái sai, cái ác. Tư duy giáo dục theo kiểu áp đặt, quyền uy đã tồn tại quá lâu trong mỗi thầy cô, người làm quản lý giáo dục.

Áp đặt lâu ngày làm cho đứa trẻ đánh mất chính mình, không dám từ chối khi bị cô giáo phạt uống nước bẩn, hay bị phạt bằng những cái tát, chịu ngược đãi, bị xâm phạm thân thể… là điều đáng tiếc. Vậy nên, trong lúc ngành giáo dục đang quan tâm bàn chuyện tìm triết lý cho giáo dục Việt Nam, thì nên bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất là phải tôn trọng học sinh và bỏ lối giáo dục quyền uy, áp đặt”.

(TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội)

 

 QUỐC HÙNG

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top