Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học mới: Trình độ đại học thất nghiệp vẫn ở mức cao

Thứ Tư 07/08/2019 | 09:59 GMT+7

VHO- Hôm qua 6.8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

 Toàn cảnh Hội nghị

Về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT tự đánh giá đã giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017 và 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội. Đồng thời, thực hiện các điều chỉnh kỹ thuật một số khâu trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập, ngăn ngừa những tiêu cực (xảy ra ở một số địa phương năm 2018) đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc và công bằng.

Tiếp tục cải tiến phương án thi THPT quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, bên cạnh những thời cơ thuận lợi, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, năm học vừa qua ngành GD&ĐT đã đạt được những kết quả tích cực.

Đáng chú ý, năm nay kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%. Kết quả tốt nghiệp có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền, phản ánh chất lượng dạy học của các địa phương chưa đồng đều. Các tỉnh/thành phố có điều kiện KTXH thuận lợi, có truyền thống hiếu học thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, các tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.

Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, trong quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 còn một số sai sót xảy ra ở một số hội đồng thi địa phương, một số hiện tượng vi phạm quy chế thi. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, những tiêu cực xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có một phần nguyên nhân từ chính phương thức thi do Bộ GD&DT xây dựng và cải tiến. Tuy nhiên cho tới nay Bộ GD&ĐT chỉ mới “ rút kinh nghiệm sâu sắc” mà chưa có cán bộ nào xây dựng phương án thi chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Bộ GD&ĐT cũng tự đánh giá, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng của các sở GD&ĐT còn thiếu, việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế. Đặc biệt, bệnh “thành tích” trong kiểm định chất lượng giáo dục đã được khắc phục nhưng chưa triệt để. Đồng thời các cơ sở GDĐH mới tập trung chủ yếu vào kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, tiến độ thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo còn chậm so với kế hoạch chung của Bộ.

Nhằm giảm tải và khắc phục bệnh “thành tích” cho các hoạt động đánh giá tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT ban hành 3 thông tư quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, hoàn thiện các hướng dẫn, tổ chức tập huấn tự đánh giá, đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông. Công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở GDĐH, CĐSP và TCSP tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế.

Năng lực ngoại ngữ của sinh viên còn thấp

Thống kê cho thấy, năm 2018 có 135,8 nghìn lao động ở nhóm có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 2,57%. Tuy tỷ lệ này có giảm so với tỷ lệ tương ứng cùng thời điểm vào năm 2017 là 4,12% (215,3 nghìn người), nhưng vẫn được các chuyên gia đánh giá là ở mức cao. Một trong những nguyên nhân chính được Bộ GD&ĐT chỉ ra là kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp, dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh và hoạt động đào tạo sử dụng bằng ngôn ngữ nước ngoài. Một số chương trình đào tạo chất lượng cao như chương trình tiên tiến, POHE, kỹ sư chất lượng cao gặp khó khăn sau khi dự án kết thúc và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ nhà nước. Đồng thời, công tác dự báo chưa được thực hiện bài bản trên quy mô rộng nên đào tạo còn vênh ở mức độ nhất định so với nhu cầu thị trường lao động, chưa đáp ứng tốt sự thay đổi mạnh mẽ về nhu cầu, cơ cấu ngành nghề.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng lao động đã qua đào tạo ở nước ta hiện vẫn còn thấp song ngay cả đã qua đào tạo nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng được, đặc biệt là những kỹ năng mềm và sáng tạo chưa được đào tạo bài bản và đầy đủ. Khi tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, doanh nghiệp thường phải mất thời gian đào tạo từ 3 – 6 tháng. Các kỹ năng khác như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm vẫn là những khiếm khuyết trong đào tạo mà các cơ sở cần cải thiện trong thời gian tới để sinh viên ra trường có việc làm và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác được đề cập là công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả, dẫn đến dư thừa lao động trình độ ĐH nhưng thiếu lao động lành nghề. Tình trạng này một phần do nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật; nội dung, phương thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các nhà trường còn chậm được đổi mới; hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới nhưng chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS; bên cạnh đó, vẫn còn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và khuyến khích học sinh tham gia học nghề.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu là Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm… đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục trong năm qua. Các đại biểu cũng nêu đánh giá, nhận định và kiến nghị về các vấn đề liên quan đến tuyển dụng giáo viên, việc rà soát. sắp xếp các trường ĐH và các cấp học, kiện toàn cơ sở vật chất trường học...

Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành GDĐT trong năm học vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý, đổi mới trong giáo dục cần có lộ trình, thời gian. Ví dụ, lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai có lộ trình cuốn chiếu là 6 năm. Một số lần đổi mới sách giáo khoa trước, thời gian là 11 năm. “Quá trình thực hiện sự đổi mới không bao giờ là hoàn mỹ, sẽ có lúc này, lúc khác, vấn đề nọ kia. Nhưng ta phải kiên định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ông nhắc lại việc đổi mới thi THPT quốc gia có lộ trình từ 2015- 2020 nhưng năm 2018 xảy ra sai phạm ở 3 địa phương và đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi. Tuy nhiên, xác định đây là chủ trương phù hợp, đúng đắn nên hệ thống chính trị và Bộ GD&ĐT đã kiên định, không vì một vài hiện tượng cá biệt mà từ bỏ lộ trình đã đề ra.

“Giáo dục từ khi thực hiện Nghị quyết 29 đã làm rất tốt 2 việc: Phổ cập mầm non và tự chủ đại học. Xếp hạng phổ thông của chúng ta đứng vị trí cao trên thế giới, số lượng bài báo quốc tế năm vừa rồi tăng… Đây là những kết quả chúng ta phải ghi nhận, đánh giá đúng và tin tưởng vào Nghị quyết để nỗ lực kiên trì thực hiện”, Phó Thủ tướng nói. 

 Từ khi thực hiện Nghị quyết 29, GD&ĐT đã làm rất tốt 2 việc: Phổ cập mầm non và tự chủ đại học. Xếp hạng phổ thông của chúng ta đứng vị trí cao trên thế giới, số lượng bài báo quốc tế năm vừa rồi tăng… Đây là những kết quả chúng ta phải ghi nhận, đánh giá đúng và tin tưởng vào Nghị quyết để nỗ lực kiên trì thực hiện.

(Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM)

 QUỐC HÙNG

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top