Đầu tư cho trạm y tế xã: Giải bài toán của lòng tin

VH- Kết quả nghiên cứu tại ba bệnh viện đa khoa Trung ương và sáu Bệnh viện đa khoa tỉnh cho thấy, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện.

Đầu tư cho trạm y tế xã: Giải bài toán của lòng tin - Anh 1

 Cho trẻ uống vắc xin tại TYT xã Đạ Ròn (Lâm Đồng) – một trong 26 TYT xã điểm Ảnh: V.M.CƯỜNG

 Đặc biệt 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế (TYT) xã. Nguyên nhân là người dân chưa tin tưởng vào TYT xã nên thường vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải ở tuyến trên và lãng phí xã hội.

“Sổ sách cũng hết ngày”

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Bắc, do Bộ Y tế vừa tổ chức. Nói về bất cập của TYT xã hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhiều TYT còn nặng về sổ sách, có nơi 70 sổ, nơi 38 sổ. “Sổ sách như thế cũng hết ngày, vô cùng lãng phí. Chưa kể, sử dụng nhân lực cũng cần phải tính toán lại, nhiều trạm chỉ cần khoảng 8 người nhưng cho lên đến 13 người”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.

Ghi nhận về vai trò của TYT góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ người dân nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, hiện nay y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân vì chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít...

Để khắc phục, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 TYT xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền để triển khai mô hình điểm về đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả của TYT xã. Các TYT này sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực y tế và tài chính, hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, từ đó nhân rộng ra toàn quốc. Tuy nhiên, ngay cả 26 TYT xã được lựa chọn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Các TYT có nhà cửa tương đối nhưng việc bố trí các phòng, công năng sử dụng chưa phù hợp, hầu hết các trạm này phải được cải tạo, nâng cấp cho khang trang sạch sẽ, bổ sung trang thiết bị cho đồng bộ. Chỉ có 3/8 tỉnh, TP là Hà Nội, TP.HCM, Yên Bái là có đầy đủ bác sĩ tại các TYT, vẫn còn 8/26 TYT chưa có bác sĩ làm việc; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu nhân lực chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.

Cần phải làm đồng bộ mới có sự thay đổi

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, với các TYT chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm, đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm...

Ngay trước khi hội nghị diễn ra, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có buổi làm việc và khảo sát tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì (Hà Nội) nhằm hỗ trợ y tế cơ sở nơi đây về các quy trình theo dõi quản lý và điều trị khám sàng lọc chẩn đoán điều trị và quản lý bệnh tăng huyết áp và khởi đầu từ TYT xã Minh Châu (1/26 TYT thí điểm), sau đó sẽ triển khai ở tất cả 31 xã và thị trấn của huyện Ba Vì.

Đánh giá về chương trình, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, sau khi ký cam kết, các bác sĩ ở Bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối sẽ về đồng hành cùng y tế cơ sở trong việc sàng lọc, khám chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính, chủ yếu là tăng huyết áp và đái tháo đường. Như vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn của nhân viên y tế cơ sở, đồng thời sẽ nâng cao uy tín của TYT vì các bác sĩ đầu ngành Trung ương và tuyến cuối về trực tiếp khám và làm việc cho người dân. “Hai bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp có tỉ lệ mắc rất cao, có thể phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ làm giảm đi các biến chứng liên quan đến bệnh khác và sẽ làm giảm chi phí điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nguyên nhân người dân vượt tuyến khám chữa bệnh là do họ không có lòng tin nên phải tìm đến nơi mà họ tin tưởng về chuyên môn, trình độ, kỹ thuật và trang thiết bị. Do đó, đây chính là bài toán lòng tin, khi giải được bài toán đó thì theo thời gian sẽ giảm tải được các Bệnh viện tuyến trên.

“Hạn chế lớn nhất của TYT xã hiện nay là trình độ, rất không đồng đều giữa các nhân viên y tế, nhiều người không được đào tạo chính quy. Thứ hai là các trang thiết bị, thậm chí là hạ tầng cơ sở, đôi khi còn khá tuềnh toàng khiến lòng tin của người dân chưa được cao”, ông Tuấn nói.

 ​ Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký cam kết Tăng cường chuyển giao kỹ thuật y tế cơ sở giữa Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện tuyến cuối với Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận, huyện có xã điểm. Qua đó, các bệnh viện sẽ cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ các TYT nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh giai đoạn 2018-2020.

 

 QUỲNH HOA

 

Ý kiến bạn đọc