Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đi khám bệnh không lo quên sổ

Thứ Tư 03/10/2018 | 09:20 GMT+7

VH- Hiện nay đã có 85% người dân Hà Tĩnh (khoảng 1 triệu người) được lập hồ sơ sức khoẻ điện tử. Gần 30.000 bệnh nhân tăng huyết áp và hơn 6.000 bệnh nhân đái tháo đường tại Hà Tĩnh được phát hiện và theo dõi quản lý thông qua phần mềm hồ sơ sức khoẻ điện tử.

 Ông Nguyễn Hồng Khoa, Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ (Hà Tĩnh) khám sức khỏe cho bệnh nhân

Bà Nguyễn Thị Nghị (70 tuổi, thôn Đồng Xuân, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thường xuyên bị đau đầu, chóng mặt và mỗi lần như vậy, bà phải đến trạm y tế xã Hộ Độ để được khám, điều trị. Bà Nghị là một trong những bệnh nhân “quen” của trạm. Bà Nghị cho biết, trước đây, bà ít khi đi khám bệnh tại trạm y tế xã mà chủ yếu khám ở bệnh viện huyện, có lần lên cả bệnh viện tỉnh; nhưng từ ngày trạm y tế xã được sửa chữa khang trang, sạch đẹp, nhiều máy móc nên giờ bà toàn đến khám ở đây. “Trong máy của bác sĩ cũng đã có tiền sử bệnh của tôi nên cũng không phải khai báo về bệnh của mình. Trước đây, mỗi lần đi khám, có bệnh gì, đau yếu như thế nào lại phải trình bày lại với bác sĩ”. “Trước đây, mỗi lần đi khám ở đâu nếu quên sổ khám bệnh là phải mua sổ mới. Hoặc đến khám ở bệnh viện khác cũng phải mua sổ mới, nhưng bây giờ tôi không phải mua nữa, mà các bác sĩ đã có hết ở trong máy tính rồi. Chỉ cần nói tên, tuổi, địa chỉ là các bác sĩ tìm được”, bà Nghị cho hay. Cũng theo bệnh nhân này, bà còn bị bệnh tăng huyết áp, trước cứ phải xếp hàng lên huyện để lấy thuốc, nhưng bây giờ bệnh viện huyện cũng giao về cho trạm y tế xã, không phải đi xa lấy thuốc nữa mà chỉ cần đi hơn 1 cây số là lấy được thuốc.

Bà Nguyễn Thị Nghị là một trong 7.900 người dân xã Hộ Độ được hưởng lợi từ hồ sơ sức khoẻ điện tử. Ông Nguyễn Hồng Khoa, Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ cho biết, hiện vẫn còn khoảng 100 người chưa được lập hồ sơ sức khoẻ điện tử vì chưa đủ thông tin, do đi làm xa quê. Để có kết quả này, khi có chỉ đạo về việc lập hồ sơ sức khỏe, các cấp uỷ, hội đồng nhân dân của xã Hộ Độ cũng như các đoàn thể, trạm y tế, xóm, thôn... đã lập kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó có công tác truyền thông. Tất cả nội dung về việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân đều được lồng ghép trong các cuộc họp thôn, xóm, nên tất cả mọi người đều biết nội dung này. “Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vì thấy các nhân viên y tế hỏi nhiều về tình trạng sức khỏe, các bệnh tiền sử, ca phẫu thuật, hoặc bệnh tật của bố mẹ, anh chị em nhưng dần dần người dân cũng hiểu được ý nghĩa, tác dụng quan trọng của việc kê khai nên đều thuận lợi. Kể cả những người làm ăn xa, khi trở về quê cũng tập đến xã để lập hồ sơ sức khỏe”, Trưởng trạm Y tế xã Hộ Độ nói.

Theo ông Khoa, hiện nay số người dân có BHYT của xã chiếm 86%, từ đầu năm đến nay đã có 5.000 lượt người được khám và điều trị, hơn 2.000 người được khám dự phòng, đạt kế hoạch cả năm. Từ năm 1997 đến nay, xã không có phòng khám tư nhân nào nên người dân khi có bệnh chủ yếu đến trạm y tế xã, nếu tình trạng nặng sẽ được sơ cứu sau đó chuyển lên tuyên trên. Nhiều năm qua, trạm y tế chưa xảy ra một trường hợp tai biến y khoa nào, cộng với thái độ nhiệt tình, chu đáo của nhân viên y tế nên người dân rất tin tưởng.

Không chỉ xã Hộ Độ mà hơn 200 xã của tỉnh Hà Tĩnh đều thực hiện tốt công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Theo Sở Y tế Hà Tĩnh, đã có 85% người dân Hà Tĩnh (khoảng 1 triệu người) được lập hồ sơ sức khỏe điện tử và phấn đấu đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 90%. Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đưa tiêu chí tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe, cấp mã số định danh quản lý sức khỏe vào nội dung xây dựng nông thôn mới nên công tác này gặp nhiều thuận lợi từ người dân đến các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương và ngành y tế. Từ việc triển khai thực hiện kê khai, khám bệnh mà nhiều người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nâng tổng số bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý là 30.000 người, và bệnh nhân đái tháo đường là 6.000 người.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cũng cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó làm sao để bảo mật thông tin cho người bệnh cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ càng. Bên cạnh đó, dữ liệu phần mềm khám chữa bệnh hiện có của các bệnh viện và phần mềm hồ sơ sức khoẻ chưa đồng bộ nên khi kết nối, liên thông giữa các phần mềm phát sinh nhân khẩu mới trên phần mềm hồ sơ sức khoẻ. Ngoài ra, theo ông Châu, việc lập được một bộ dữ liệu là điều quan trọng trong việc quản lý sức khỏe, liên thông quá trình khám chữa bệnh, BHYT, tiêm chủng..., nhưng làm thế nào ngành Y tế phát huy được cơ sở dữ liệu này để phân tích, đánh giá tình hình bệnh tật cũng như nguy cơ để có chiến lược dài hạn. 

 QUỲNH HOA

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top