Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Không để dịch tay chân miệng lây lan trong cộng đồng

Thứ Tư 03/10/2018 | 09:37 GMT+7

VH- Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn cảnh báo nhằm về tình trạng xuất hiện trở lại và lây lan nhanh chóng của chủng virus Enterovirus 71 (Ev 71). Đây là chủng virus gây nhiều biến chứng nặng, có tỉ lệ tử vong cao và là nguyên nhân gây ra dịch tay chân miệng vào năm 2011.

 Sự trở lại của virus Ev 71 làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng trên diện rộng

Số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho thấy, số ca mắc tay chân miệng trung bình trong những tuần gần đây khoảng 347 ca, tăng 49% so với 4 tuần trước đó. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã có 3.568 ca mắc tay chân miệng, tăng 111 ca so cùng kỳ năm 2017.

Sự nguy hiểm của virus Ev 71

Lý giải sự gia tăng đột biến này, các chuyên gia cho rằng, tháng 8 tháng 9 hằng năm là thời điểm số ca mắc tay chân miệng theo mùa. Tuy nhiên mùa dịch năm nay với sự xuất hiện trở lại của chủng virus Ev 71, đây là tác nhân gây nhiều biến chứng nặng có tỉ lệ tử vong cao, song các triệu chứng thường không điển hình và dễ bỏ sót. Chủng virus này chính là nguyên nhân gây ra dịch tay chân miệng lớn vào năm 2011. Đây có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại TP.HCM và các tỉnh, thành trong cả nước những tuần gần đây.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM: Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành theo mùa ở các nước nhiệt đới, mỗi năm có trung bình từ 20 -100 nghìn ca mắc. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Năm 2018, nếu so sánh số ca mắc với năm trước thì giảm 31%, tuy nhiên chỉ trong tháng 8 và 9 số ca mắc bệnh này tăng rất nhanh khoảng 50% so với cùng kỳ những năm trước đó. Điều khác biệt năm nay có đến 50% số trẻ mắc tay chân miệng dương tính với virus Ev 71. Đặc tính của virus Ev 71 là lây lan rất nhanh, diễn tiến nặng sốt cao, trẻ mắc tay chân miệng do virus Ev 71 có thể bị các biến chứng thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Ngoài ra, đặc điểm của bệnh này chủ yếu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi dễ dẫn đến các biến chứng của chủng Ev 71. Đối với người lớn, là người lành mang trùng thì có đến 80% người lớn mắc tay chân miệng nhưng không có biểu hiện lâm sàng lây cho trẻ, PGS.TS Phan Trọng Lân cho biết thêm.

Triển khai kiểm soát bệnh tại trường học

Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị y tế trên địa bàn TP, phòng y tế, trung tâm y tế các quận, huyện về việc cảnh báo xuất hiện chủng Ev 71 nguy hiểm. Đồng thời yêu cầu tuân thủ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng” theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm theo dõi sát diễn tiến của bệnh để có phương án xử trí kịp thời. Ngoài việc cách ly, theo dõi sát người bệnh để phát hiện các dấu hiệu nặng, chuyển độ, các biến chứng tim mạch, hô hấp, thần kinh… Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố phải chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang vật tư thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu khi cần thiết.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Nên việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ. Có 80% số ca mắc tay chân miệng ở thể nhẹ, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như: giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa trẻ đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Hiện Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố triển khai các hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm tại trường học, đặc biệt chú trọng công tác kiểm soát bệnh tay chân miệng. Cụ thể, yêu cầu các trường mầm non, nhóm trẻ phải giữ gìn vệ sinh cả trẻ và người chăm sóc trẻ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng đồ chơi của trẻ. Việc thực hiện hoạt động kiểm soát bệnh tại trường học sẽ được trung tâm y tế quận, huyện giám sát định kỳ và sẽ được kiểm tra bởi các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, huyện. 

 HIẾU NGUYỄN

 

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top