Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đắp lá chữa ung thư: Người bệnh tự từ chối cơ hội chữa bệnh

Thứ Năm 04/10/2018 | 12:35 GMT+7

VH-Chỉ vì nghe lời mách bảo mà nhiều người đã tự lấy lá trong vườn, cây thuốc Nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc cao dán để đắp vào các u, cục nổi lên với hy vọng sẽ xẹp khối u sau vài tuần. Nhưng thực tế hậu quả ngày càng nặng nề hơn và không ít người đã rất hối hận vì đã chữa bệnh kiểu “mách bảo” và khi đến viện đã ở giai đoạn muộn.

Đắp lá khiến khối u vú ngày càng bị nặng hơn

Khối u căng phồng, lở loét, thêm di căn vì... đắp lá

Mới đây, các bác sĩ Khoa Nội 1- Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 51 tuổi ở Bắc Quang- Hà Giang nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Theo lời kể của bệnh nhân H.T.T, trước đó khoảng một năm, bà tự sờ thấy u vú nhưng đã không đi khám mà nghe lời mách bảo đã đi mua thuốc lá của “thầy lang” về đắp. Gần một năm đắp lá vào khối u, chẳng những khối u không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, căng phồng như quả bưởi và đã loét vỡ gây loét ngoài ra, sần sùi như súp lơ.

“Bệnh nhân H.T.T đã bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật. Hiện bệnh nhân đang điều trị hoá chất, tuy nhiên đó chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa”, BS Đỗ Huyền Nga, Phó Khoa Nội 1 cho biết

Một bệnh nhân khác là N.T.C (52 tuổi, Phú Thọ) nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ ở vú. Bệnh nhân cho biết, bà đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã giải thích, ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C. đã nghe lời của bạn bè, nhờ người làng mua thuốc lá trên vùng núi với lời quảng cáo “chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não”. “Mặc dù cảm thấy nóng rát, đau tức ngực khi đắp lá nhưng tôi nghĩ đó là thuốc đang “có tác dụng” nhưng về sau ngực càng sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới bắt tôi đi khám”, bà C chia sẻ.

Tại Bệnh viện K, các bác sĩ chẩn đoán bà C. bị nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá, phần hoại tử đã lan rộng sang nách. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách, lúc này khối u vú của bà C. đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn 4...

Nhiều quảng cáo chữa ung thư tràn lan trên mạng

Tầm soát ung thư để kịp thời phát hiện bệnh

Điều đáng nói là, hiện tượng đắp lá chữa bệnh theo mạch bảo như hai trường hợp trên không phải là hiếm. TS. BS Lê Thanh Đức (Trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K) cho biết, tại Khoa cũng tiếp nhận các bệnh nhân nữ đến thăm khám u vú trong tình trạng đã bị tổn thương nặng vùng vú, ngực loét, khối u to, căng, có người vỡ loét chảy mủ... Không chỉ bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả phụ nữ ở vùng thành thị, thậm chí ngay tại thủ đô cũng có bệnh nhân nữ chữa bệnh theo cách chữa ung thư vú bằng đáp lá, dán cao... này.

Hầu như những bệnh nhân sau đắp lá khi chụp chiếu thường di căn phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả. “Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khac không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, nhưng làm mất thời gian điều trị. Sau 5 – 6 tháng, khối u phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”, BS Đức cảnh báo.

Theo BS Đức, đối với những trường hợp này, các bác sĩ vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót. “Từ thực tiễn cho thấy người bệnh nên tin tưởng và làm theo cách chữa bệnh khoa học, tránh tâm lý buông xuôi muốn đến đâu thì đến, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học để chữa bệnh theo cách mách bảo, theo mạng xã hội để rồi tiền mất mà thêm tật. Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn”, TS. Đức nói.

Để phát hiện sớm ung thư vú, các bác sĩ Bệnh viện K khuyến cáo ngay cả người trẻ cũng nên khám, kiểm tra định kỳ tuyến vú. Hằng tháng có thể kiểm tra ngay tại nhà sau kỳ kinh 7 ngày bằng cách tự sờ nắn, khi thấy bất thường – có hạch ở nách, vú thì cần đến cơ sở y tế khám luôn. Riêng đối với những trường hợp, trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi nên tầm soát ung thư vú định kỳ. Phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

BS Đỗ Huyền Nga cho hay, thực trạng đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4. Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.

Mai Trang

Print
Tags:

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top