Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bé 2 tuổi tử vong sau truyền dịch tại Hà Nội: Tích cực làm rõ nguyên nhân

Thứ Sáu 19/10/2018 | 09:44 GMT+7

VHO-  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Long Biên phối hợp làm rõ việc cháu bé 2 tuổi bị tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư nhân.

Trong văn bản, ông Chung cũng đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám trên, và báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 25.10.

 Phòng khám của bà Nguyễn Thị Kim Cúc (Long Biên, Hà Nội)

Đình chỉ hoạt động phòng khám

Ngày 17.10, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết, cháu bé tên là N.G.B (22 tháng tuổi, ngụ tại thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) ngày 15.10, bé B được bố mẹ đưa đến khám ở Phòng khám chuyên khoa nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên) với các dấu hiệu ho, sốt, được bác sĩ Cúc kê đơn điều trị bằng uống thuốc tại nhà. Sau khi uống thuốc một ngày bệnh nhân không đỡ, kèm theo bị ỉa chảy, nôn nhiều lần nên gia đình đưa cháu đến khám lại tại phòng khám của bác sĩ Cúc vào khoảng 16h20 ngày 16.10.

Sau khi bệnh nhi được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (Ringer lactat), được khoảng 15 phút thì có biểu hiện tím tái, bác sĩ Cúc đã ngay lập tức rút kim truyền và trực tiếp cùng gia đình đưa bệnh nhi vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Theo Bệnh viện đa khoa Đức Giang, bệnh nhân B được nhập vào Khoa Cấp cứu vào khoảng 17h40 ngày 16.10 với các dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn, không phản xạ với ánh sáng; bé được cấp cứu ngừng tim đến 18h30 nhưng không có kết quả. Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, phòng khám của bà Cúc tại địa chỉ trên có giấy chứng nhận kinh doanh và được Sở Y tế Hà Nội cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh. Phòng khám có hai nhân sự gồm bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh), chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám; và y sĩ Đinh Thị Hằng Nga là nhân viên hợp đồng thực hành khám chữa bệnh tại phòng khám. Chuyên môn của phòng khám là sơ cứu, khám chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường; không làm các thủ thuật chuyên khoa.

Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã vào cuộc; toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thuốc, vật tư liên quan đến việc khám và điều trị của bệnh nhân tại phòng khám đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Để phục vụ công tác điều tra, Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của Phòng khám này.

Bất nhất về thời điểm tử vong?

Anh Hoàng Văn Bộ, chú của cháu B cho biết, hôm 17.10, cơ quan chức năng đã thực hiện giám định tử thi bé B và hẹn 21 ngày sau sẽ có kết quả; đồng thời bàn giao bé cho gia đình tiến hành các thủ tục tang lễ. Gia đình bác sĩ Cúc cũng tới chia buồn và xin lỗi vì hậu quả xảy ra. Mong muốn của gia đình là muốn các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu.

Anh Bộ cũng cho hay, đến nay anh chưa nhận được thông tin nào từ cơ quan chức năng, tuy nhiên thông qua báo chí, anh được biết Bệnh viện đa khoa Đức Giang không đưa ra kết luận về thời gian cháu bé mất mà chỉ chẩn đoán “tử vong ngoại viện”; còn giấy chứng tử ghi rõ tử vong lúc 17h40 ngày 16.10. “Trước đó, lúc làm thủ tục cho bé, tôi nhận được giấy chứng tử ghi cháu tử vong lúc 19h00 ngày 16.10, tôi đề nghị nhân viên y tế làm lại vì còn liên quan đến việc điều tra. Lúc sau, tôi nhận được giấy chứng tử ghi tử vong lúc 17h40. Tôi không hiểu tại sao lại có sự khác nhau này”, anh Bộ khẳng định.

Cũng theo anh Bộ, ba năm trước anh bé B cũng tử vong khi mới 10 tháng tuổi vì bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá; hiện gia đình còn một cháu bé học lớp 4. Bố mẹ cháu thu nhập từ nghề nông và điều kiện kinh tế khó khăn.

Về thời điểm tử vong của bé B, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích, bệnh nhi đến bệnh viện đã ngừng tim ở ngoài bệnh viện, các bác sĩ cố gắng cấp cứu để tim đập lại. Có trường hợp tim đập trở lại, có trường hợp không. Do vậy, báo cáo của bệnh viện ghi như trên là phù hợp. 

 Bé gái 6 tuổi tử vong sau khi truyền dịch

Cũng trong ngày 16.10, bé gái N.N.H (6 tuổi, quận Lê Chân, Hải Phòng) đã tử vong sau khi truyền dịch tại Bệnh viện đa khoa quận Lê Chân. Đại diện bệnh viện cho biết, bé H được đưa vào bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi, môi khô, tiêu hóa lỏng và nôn nhiều. Các bác sĩ tiên đoán bé bị mất nước nặng nhưng nhịp tim vẫn bình thường. Các bác sĩ trực đã chỉ định cấp cứu cho bé bằng cách cho thở oxy, truyền nước điện giải, ủ ấm và cho bệnh nhi nằm tại phòng lưu bệnh nhân, cạnh phòng cấp cứu.

Tuy nhiên sau 40 phút truyền dịch, bé H có biểu hiện co giật nên ê kíp tiến hành các biện pháp chống sốc, đồng thời gọi cấp cứu nhưng bé đã tử vong. Gia đình bé không yêu cầu giám định tử thi nên không thể kết luận chính xác nguyên nhân tử vong. Tuy nhiên dựa trên các biểu hiện lâm sàng thì có thể dự đoán nguyên nhân là do sốc mất nước dẫn tới truỵ mạch. Lãnh đạo bệnh viện đã tới hỏi thăm và hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.

 

 QUỲNH HOA

Print

Video

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top