Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2: Để các y, bác sĩ không bị cô đơn trước nạn bạo hành

VH- Đến nay, dường như Bộ Y tế, các bệnh viện và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp căn cơ để bảo vệ, ngăn chặn việc hành hung bác sĩ.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27.2: Để các y, bác sĩ không bị cô đơn trước nạn bạo hành - Anh 1

Đại diện các cơ quan chức năng thăm hỏi bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái

Ngày càng trầm trọng hơn

Mới đầu năm 2018, chỉ trong 6 ngày Tết đã xảy ra hai vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, một là ngày 14.2, lái xe cấp cứu của BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) bị một lái xe khác đánh ngay trước khoa Cấp cứu chống độc (BV đa khoa Hùng Vương). Nguyên nhân sự việc bước đầu được xác định là trong khi vận chuyển bệnh nhân về BV cấp cứu, lái xe cấp cứu đã ra tín hiệu xin vượt và vượt một xe ô tô bốn chỗ, lái xe này cho rằng xe cấp cứu vượt ẩu nên đã đuổi theo về tận BV để “giải quyết” và xảy ra vụ ẩu đả. Tuy nhiên, bộ phận an ninh của bảo vệ đã phát hiện kịp thời và báo lực lượng chức năng để làm rõ vụ việc.

Một vụ mới nhất gây bức xúc dư luận diễn ra ngày 20.2 là việc chồng một sản phụ của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, sau khi bị nhân viên y tế nhắc nhở vì đã trèo lên cửa sổ quay phim phòng mổ đã tức tối gọi thêm hơn 10 thanh niên khác đến BV để “trả thù”. Sau khi các bác sĩ đã mổ đẻ thành công cho sản phụ, vừa ra khỏi phòng mổ đã bị đám thanh niên xông vào hành hung, khiến hai bác sĩ Khoa Sản và Khoa Gây mê bị chấn thương nặng, khâu nhiều mũi trên mặt và đầu. Hiện công an Yên Bái đã ra thông báo truy tìm đối tượng – chồng sản phụ - gửi đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an các tỉnh, thành phố trên cả nước để phối hợp, xác minh, điều tra nhưng vẫn chưa có kết quả.

Có vẻ các vụ bạo hành bác sĩ đã được công luận lên tiếng nhiều nhưng có vẻ chưa dừng lại chứ khó có thể giảm, thậm chí mức độ, cường độ và quy mô lại còn tăng hơn. Nói như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội:  “Câu chuyện này vẫn chưa thể kết thúc được và mong rằng sau một năm mà tỉ lệ các vụ tấn công này giảm xuống được 10% là tôi rất hạnh phúc”.

Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng nguyên nhân sâu xa là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đối tượng hành hung không chỉ là những người “xăm trổ”, “đầu gấu” mà còn có cả những “doanh nhân tiêu biểu”, thậm chí chủ tịch phường cũng liên quan (như vụ đánh bác sĩ nữ tại một bệnh viện ở Nghệ An). “Xét về mặt bằng chung chất lượng khám chữa bệnh, ứng xử của y bác sĩ được nhân dân đánh giá cao trong thời gian qua thì đáng lẽ những vụ việc như thế này phải được giảm đi; nhưng thực tế lại tăng hơn, tính chất mức độ lại manh động hơn. Bệnh viện nào cũng có camera theo dõi, bệnh viện nào cũng có bảo vệ, an ninh nhưng bác sĩ vẫn bị đánh”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Còn theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí thì cho rằng, có một bộ phận xã hội không hiểu pháp luật, không tuân thủ pháp luật và coi thường pháp luật. Thực tế ở đâu đó, vẫn có người cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chưa trọn vẹn, chưa tốt nên đã xảy ra điều nọ, điều kia, có thể do chủ quan hoặc khách quan. Tuy nhiên với bất kỳ lý do gì thì đánh người là vi phạm pháp luật, nhất là đánh nhân viên y tế thì phải coi là tình tiết tăng nặng. “Những bức xúc của bệnh nhân đều có thể giải quyết được bằng ngôn ngữ, nhân viên y tế có thể nhận hình phạt nặng, chứ không thể có chuyện bác sĩ không tốt mà nhảy vào đánh được. Do đó cần phải làm tốt công tác giáo dục hiểu biết pháp luật cho người dân nếu không tình trạng này ngày càng tăng”, GS Nguyễn Anh Trí nói.

Truyền thông không hiệu quả

Bạo hành bác sĩ được dư luận lên tiếng nhiều, hầu hết các vụ việc đều được phản ánh trên báo chí, nhưng kết quả của việc xử lý như thế nào thì bị “chìm xuồng”, hoặc đăng tải một cách thưa thớt. Và những kết quả này chủ yếu là do phóng viên tự khai thác chứ không có một cơ quan nào của Bộ Y tế cung cấp một cách đầy đủ, chính thống.

Mỗi lần bác sĩ bị hành hung các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đều lên tiếng phê phán hành vi hành hung bác sĩ, thăm hỏi nạn nhân, đề nghị địa phương làm rõ, và xử lý nghiêm minh. Nhưng trách nhiệm như thế dường như chưa đủ trong vai trò của Bộ Y tế đối với nhân viên của ngành mình. “Những kết quả xử lý vụ đánh bác sĩ là như thế nào, có nghiêm minh, đúng với tính chất của vụ việc thì không được nêu rõ. Việc không truyền thông đầy đủ đã làm giảm đi tính giáo dục, răn đe với các đối tượng khác. Pháp luật đã quy định việc “cố ý gây thương tích” trong khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ có thể bị xử phạt tới 3 năm tù, như vậy là khá nghiêm. Nhưng việc thực hiện như thế nào thì còn ở các cơ quan pháp luật”, ông Nguyễn Huy Quang cho hay.

Bộ Y tế không ít lần lên tiếng về việc ngành Y tế đang đơn độc trong việc bảo vệ bác sĩ. Tuy nhiên, đứng về phía trách nhiệm của ngành mình thì người ta thấy vẫn còn đó, những điều mà Bộ Y tế có thể làm được để tránh cho bác sĩ bị hành hung. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, khi chưa có các biện pháp mạnh mẽ thì các bác sĩ trước hết phải tự bảo vệ mình. BV Đại học Y Hà Nội đang tiếp cận phương pháp “Giữ khoảng cách”, yêu cầu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giữ khoảng cách với nhân viên y tế bằng một cánh tay, bước lùi giữ khoảng cách. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng này.

Theo khảo sát của Vụ pháp chế, các vụ hành hung chủ yếu xảy ra ở các khoa cấp cứu, khám bệnh, khoa ngoại…  nơi tiếp xúc ban đầu giữa bệnh nhân và bệnh viện. Các vụ việc hành hung nhân viên y tế thể hiện mối quan hệ giữa bác sĩ, bệnh nhân, và người nhà bệnh nhân. Một số ý kiến cho rằng “phải có lửa mới có khói”, tuy nhiên điều này không thể biện minh cho hành vi hành hung bác sĩ. GS Nguyễn Anh Trí cho biết, ở các nước tiến bộ, khi bệnh nhân vào viện, sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính thì bệnh nhân được cách ly hoàn toàn với người nhà. Điều này hạn chế được những vụ việc đáng tiếc xảy ra. “Còn ở Việt Nam thì sao, điều kiện ý tế chưa đủ điều kiện để cán bộ nhân viên y tế không cần người nhà giúp đỡ, người nhà phải xách đồ, phải chạy đi chỗ nọ chỗ kia. Chẳng hạn, một bệnh viện ở Úc với 300 giường bệnh và hơn 2000 cán bộ y bác sĩ nhân viên trong khi ở Việt Nam thì một giường bệnh thậm chí có 2-3 bệnh nhân, y bác sĩ thiếu. Khi tôi còn làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương thì trung bình có khoảng 1.200 bệnh nhân mà chỉ có hơn 900 cán bộ nhân viên y tế, trong đó  khoảng 400 cán bộ làm việc liên quan đến việc lấy mẫu, phát máu, sàng lọc máu còn lại là hơn 500 y, bác sĩ lo cho 1.200 bệnh nhân thì làm sao không cần đến sự giúp đỡ của người nhà”, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương viện dẫn.

Cũng theo ông Trí, công cụ bảo vệ bác sĩ chính là  sự đảm bảo an ninh trong bệnh viện, nhưng thực tế hiện nay nếu nói có thì là có, còn nói đủ thì nhiều nơi chưa đủ, ví dụ phòng ốc, hàng rào, cửa… không đủ tiêu chuẩn.  Thứ hai là thiếu kinh phí để bệnh viện có thể thuê mướn được đội ngũ bảo vệ mang tính chuyên nghiệp. Đã qua rồi cái thời thuê bảo vệ là một người về hưu có khách đến thì hướng dẫn, ghi sổ. Điều thứ ba rất quan trọng là thiếu một hành lang pháp lý để bệnh viện có thể thực thi như bắt, sử dụng công cụ hỗ trợ và các biện pháp mang tính pháp lý nhằm ngăn chặn được tình trạng. “Tuy nhiên nếu những điều này làm tốt được cũng chưa chắc bảo vệ được bác sĩ mà quan trọng nhất là pháp luật phải xử lý rất nghiêm những hành động đó để răn đe những người khác”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

 ​Khủng hoảng mối quan hệ bệnh nhân – bác sĩ

 Những vụ hành hung bác sĩ trọng thương tượng trưng cho sự sụp đổ mối quan hệ bác sĩ -  bệnh nhân, nó là hệ quả của một sự rối loạn cơ bản trong quản lý xã hội và hệ thống y tế ở Việt Nam.

Hệ thống y tế Việt Nam trước năm 1945 rất được coi trọng, bác sĩ được gọi là quan đốc thậm chí gọi là cụ với những người có, tuổi lương cao. Sau Cách mạng tháng Tám – 1945, y tế Việt Nam mặc dù rất khó khăn về kinh phí nhưng đã sản sinh ra những thế hệ y bác sĩ kiệt xuất với tay nghề vững vàng đạo đức rải đều ở mọi tuyến. Đi qua chiến tranh đến thời kỳ bao cấp dù kinh tế lao đao nhưng y tế vẫn phục vụ người bệnh vô điều kiện. Ở thời kỳ này sự tương tác giữa bác sĩ và người bệnh dựa trên nền tảng tình cảm, bệnh viện được coi là nơi thiêng liêng xếp vào bậc nhất. Đến trước thời kỳ đổi mới 1986 trong con mắt toàn xã hội bác sĩ được người dân nhìn nhận như những bậc trí thức lớn có địa vị cao rất đáng kính trọng. Vậy điều gì dẫn đến cuộc khủng hoảng mối quan hệ bệnh nhân và bác sĩ?

Từ năm 1960 đến 1964 để phục vụ kế hoạch của trên giao, Bộ Y tế chỉ thị phải nhanh chóng và dễ nhất cấp bằng bác sĩ cho tất cả các y sĩ cao cấp bổ túc 2 năm cho bác các y sĩ trung cấp rồi trao bằng bác sĩ... Hậu quả là một số sinh viên kém về chất lượng không thể đảm đương nổi công việc, nên chương trình của Liên Xô cũ giúp đỡ bị phá sản, phải sửa chữa lại rất mất thời gian. Thời kỳ mở cửa mọi chuyện trở nên khác, chất lượng giáo dục  của  cả hệ thống giảm sút và giáo dục y tế cũng không nằm ngoài trong dòng chảy. Bên cạnh đó, chất lượng bệnh viện , sự quá tải trình độ y bác sĩ dần dần nảy sinh mâu thuẫn giữa bác sĩ và bệnh nhân. 

Ngoài ra, đến nay pháp luật vẫn coi bạo hành y tế giống như những cuộc đôi co ngoài đường phố, nếu bị bác sĩ bị đánh đập với tổn thương sức khỏe dưới 11% thì hai bên giải quyết dân sự. Điều này khác hẳn với các nước văn minh họ coi bác sĩ là tài sản quốc gia bất khả xâm phạm, nên pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm bác sĩ từ lời nói đến đánh đập bác sĩ, nếu có chắc chắn sẽ bị truy tố.

Vụ việc hai bác sĩ ở Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái đã qua 6 ngày nhưng cơ quan công an vẫn đang tìm đối tượng để điều tra thay vì phải truy bắt càng nhanh càng tốt. Điều đó không chỉ phản ánh sự bất lực của một chính quyền mà còn cho thấy sự cô đơn của các y bác sĩ trước các đối tượng côn đồ. Và hệ thống y tế sẽ phải tiếp tục vận hành trong nỗi sợ hãi mà hành động đánh bác sĩ đầu năm mới là một lời cảnh báo rằng, chưa biết khi nào thì bạo hành y tế sẽ giảm.

(Bác sĩ Trần Văn Phúc, BV đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội)

Văn Minh

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc