ĐƠN THUỐC PHẢI CÓ SỐ CHỨNG MINH NHÂN DÂN: Bộ Y tế làm khó bệnh nhi

VH- Bắt đầu từ tháng 3, theo quy định mới của Bộ Y tế, khi bác sĩ kê đơn thuốc ngoại trú cho bệnh nhi dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi đủ thông tin số nhà, đường phố, và cả số chứng minh nhân dân (CMND) hoặc số căn cước của bố hoặc mẹ, người đưa trẻ đi khám. Đồng thời nhà thuốc cũng không được phép bán thuốc khi đơn thuốc không có đủ những số liệu trên. Điều này đang gây phản ứng đối với cả người dân, nhân viên y tế, nhà thuốc vàdường như BộY tế đang làm khócho bệnh nhi hơn là... bảo vệ.

 

ĐƠN THUỐC PHẢI CÓ SỐ CHỨNG MINH NHÂN DÂN: Bộ Y tế làm khó bệnh nhi - Anh 1

Rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đến khám nhưng không phải ai cũng biết quy định trong đơn thuốc phải có số CMND

Quy định trên trời?

Những ngày cuối tuần qua, phóng viên Văn Hoá có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Do là ngày nghỉ nên Khoa Khám bệnh của bệnh viện khá vắng, chỉ có Khoa Khám bệnh 24h/Điều trị ban ngày là khá tấp nập. Theo quan sát, bệnh nhân là trẻ từ vài tháng đến dưới 10 tuổi, nguyên nhân chủ yếu đi khám là do sốt hoặc viêm họng. Chị Hoàng Thị Yến (Nhân Chính, Hà Nội) cho biết chị đưa hai con đi khám vì viêm họng kéo dài gồm một bé 4 tuổi và một bé 25 tháng tuổi. Theo chị Yến, ngày hôm nay đưa các bé đi khám cũng không khác gì so với những lần trước bởi không phải trình hoặc ghi số CMND của bố mẹ. Chị cũng thừa nhận không biết đến quy định bắt đầu từ ngày 1.3 bác sĩ phải ghi số CMND trong sổ khám bệnh và đơn thuốc đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi.

Quy định này được nêu rõ tại Điều 6 trong Thông tư số 52 /2017 TT- BYT ngày 29.12.2017 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.3.2018. Theo đó, yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc là phải ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong sổ khám bệnh của người bệnh. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ. Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) giải thích: “Ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo CMND để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMND của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ cũng có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc”.

Để quản lý các nhà thuốc có bán thuốc cho đơn không có số CMND của bố, mẹ (người giám hộ) hay không, ông Hưng cho hay, Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra giám sát nếu phát hiện nhà thuốc vẫn bán những đơn mà không có số CMND cho trẻ dưới 72 tháng tuổi thì trước tiên sẽ là trách nhiệm của nhà thuốc, sau đó sẽ là trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.

Phiền hà

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, việc ghi thêm số CMND với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng đây là việc hoàn toàn cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh song đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đưa đi khám nên việc ghi số CMND không có gì là quá khó khăn.

Trước sự giải thích này, một bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng, không thấy sự liên quan giữa việc ghi số CMND trong đơn khi mua thuốc với việc hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh. Còn nói trẻ dưới 72 tháng tuổi không biết diễn đạt về tình trạng sức khỏe, trẻ chưa thể tự dùng thuốc như kê đơn hay tư vấn của bác sĩ nên yêu cầu CMND hoặc số căn cước của người giám hộ là để người đưa trẻ đi khám cần chịu trách nhiệm về thông tin bệnh nhi là một sự ngụy biện. Bởi vì khi tư vấn thì bác sĩ chuyên khoa cũng tự biết cần phải tư vấn cho ai.

Đại diện một chủ hiệu thuốc lớn trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) khẳng định: Nếu là quy định thì phải chấp hành. Tuy nhiên khi khách hàng mang đơn thuốc của bệnh nhi dưới 72 tháng tuổi không có số CMND mà không bán thì bệnh nhân không có thuốc dùng; còn nếu bán thì nhà thuốc sẽ bị phạt. Thực tế khi trẻ đi khám bệnh thì bệnh viện đã lưu tên, tuổi, địa chỉ của bố mẹ, đáng ra thì cần lưu một chỗ nhưng theo quy định này thì nhà thuốc cũng phải lưu.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư không có tính thực tế nên người dân, nhân viên y tế và nhà thuốc đều cảm thấy bất cập vì gây quá nhiều phiền hà. Nếu nhằm mục đích giảm lạm dụng, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh thì Bộ Y tế cần quản lý chặt việc bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc hơn là thêm một thủ tục hành chính như vậy. Trước đây Bộ Công an đã từng đề nghị ghi tên cha mẹ vào căn cước công dân nhưng sau đó phải bỏ, không biết sắp tới Bộ Tư pháp có “tuýt còi tính pháp lý của việc ghi số CMND vào toa thuốc hay không? Trong khi đó, đưa trẻ đi khám bệnh nhiều khi không phải cha mẹ, còn người giám hộ phải hiểu theo đúng luật chứ không phải ai cũng giám hộ được. Chẳng lẽ lỡ cha, mẹ hoặc người đưa trẻ đi khám bệnh quên CMND hoặc không nhớ số CMND thì em bé sẽ không được khám bệnh? 

 ​Cần xem xét lại

Thứ nhất, trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, nội dung đã thể hiện đầy đủ các thông tin chi tiết, bao gồm các thông tin về tên người con, người mẹ và địa chỉ. Do đó, trên toa thuốc chỉ cần thể hiện các thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế là đầy đủ. Hoặc trong thường hợp trẻ dưới 72 tháng tuổi chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ cũng có đầy đủ các thông tin về người thân của trẻ.

Thứ hai, quy định phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc nhưng trong trường hợp bố hoặc mẹ, người giám hộ không có CMND hoặc căn cước công dân thì giải quyết như thế nào? Nếu người đưa trẻ dưới 72 tháng tuổi nhưng không phải bố hoặc mẹ hoặc không phải là người giám hộ thì trên toa thuốc đó có ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của người này hay không?

Thứ ba, các thông tin trên toa thuốc chỉ cần thể hiện các kết quả chẩn đoán và điều trị là quan trọng nhất, bác sĩ có trách nhiệm kê toa thuốc và chịu trách nhiệm về toa thuốc này, các thông tin khác hầu như không có tác dụng.

Thứ tư, việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 72 tháng tuổi là việc làm thường xuyên do các em hay đau ốm. Khi đưa trẻ đi khám chữa bệnh không phải lúc nào bố hoặc mẹ, người giám hộ cũng mang theo giấy tờ tùy thân, trong trường hợp không mang theo, thì bố hoặc mẹ, người giám hộ tự đọc số CMND hoặc số căn cước công dân có thể không chính xác, ảnh hưởng đến việc tra cứu nhân thân của người bệnh. Nếu không có CMND hoặc căn cước công dân thì bác sĩ liệu có dám từ chối việc khám và kê toa thuốc cho bệnh nhân hay không?

Vì vậy, việc ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, người giám hộ của trẻ trên toa thuốc là không cần thiết, gây phiền hà không chỉ cho bác sĩ và người nhà bệnh nhân; ảnh hưởng đến quy trình khám chữa bệnh, do đó, Bộ Y tế cần thiết phải xem xét lại quy định này để tạo điều kiện cho người dân.MINH ĐỨC (Kon Tum)

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc