Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đặc sắc chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc

Chủ Nhật 18/08/2019 | 12:00 GMT+7

VHO-Tối 18.8 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La đã diễn ra Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tới dự và phát biểu chào mừng. Dự Lễ khai mạc có  các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 7 tỉnh khu vực Tây Bắc và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Nam Nguyễn

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, là dịp để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa.

Ban Tổ chức tặng lưu niệm cho các đơn vị tham gia ngày hội

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội nhấn mạnh, Tây Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của đất nước, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nên thơ và hùng vĩ, là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em. Người dân Tây Bắc hiền hậu, chất phác mà anh dũng, kiên cường và thủy chung, son sắt. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện qua trang phục, qua lễ hội, qua các làn điệu dân ca dân vũ, văn hóa ẩm thực… góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc. Ảnh: Quốc Hùng

Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội lần này, thông qua các điệu múa, tái hiện các lễ hội dân gian, sự hòa tấu từ những âm thanh huyền diệu của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tính và những lời Then say đắm lòng người, thông qua không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức trong lễ hội, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, tung còn, kéo co, đẩy gậy... được chính các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên - là chủ thể văn hóa thể hiện, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về một Tây Bắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, với cộng đồng các dân tộc có truyền thống hào hùng, yêu nước và mến khách.

Qua 13 lần tổ chức theo hình thức luân phiên định kỳ, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc đã thực sự trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Bắc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy mong muốn, những giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Bắc không chỉ được tái hiện trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội, mà những làn điệu dân ca dân vũ, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc này sẽ luôn được ngân vang ở khắp bản làng, trong các sinh hoạt cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tạo thành sức mạnh, gắn chặt tình đoàn kết của đồng bào Tây Bắc với đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND nhấn mạnh, thông qua việc tổ chức đăng cai Ngày hội, tỉnh Sơn La có nhiều cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa đặc sắc tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Sơn La với các tỉnh bạn với du khách trong và ngoài nước. Các vị khách tham gia Ngày hội và du khách sẽ có cơ hội tham quan các danh thắng thắng cảnh, di tích lịch sử của tỉnh Sơn La như Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Nhà máy Thủy điện Sơn La, trải nghiệm các cảm giác thú vị trên Cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp, thưởng thức những món ăn dân tộc tinh tế, gặp gỡ những người dân giàu lòng mến khách chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng khó quên trong lòng khi đến với Sơn La.

Xuyên suốt Lễ Khai mạc là Chương trình nghệ thuật hoành tráng với chủ đề “Tây Bắc - Sơn La hội tụ và lan tỏa” được dàn dựng công phu, sáng tạo, được tập thể nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh biểu diễn hết sức sinh động, thể hiện sâu sắc nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng cao Tây Bắc, mang đến cho khán giả trong nước và quốc tế hình ảnh về một Tây Bắc - Sơn La với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, quyến rũ, một Tây Bắc - Sơn La  hùng vĩ, giàu tiềm năng đang bừng sáng vươn lên cùng cả nước, một Tây Bắc - Sơn La đang trên đà hội nhập và phát triển. Trước đó, trong chiều 18.8, tại Quảng trường Tây Bắc, Thứ trưởng Phạm Thị Thủy cùng Đoàn đại biểu của 7 tỉnh tham gia Ngày hội đã dâng hoa báo công tại Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đánh giá về Ngày hội, PGS,TS Nguyễn Thị Song Hà, Học viện KHXH, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, thành viên Hội đồng thẩm định cho biết, việc chuẩn bị của các tỉnh rất chu đáo, đúng trọng tâm, mục đích của ngày hội, đã mang tới ngày hội những sản vật, trang phục, món ăn, tiết mục trình diễn đặc sắc nhất, mang đậm nét văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc, địa phương mình. Thông qua Ngày hội, đồng bào các dân tộc có cơ hội được giao lưu, hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc bạn, địa phương bạn, từ đó có niềm tự hào, động lực, ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn nét văn hóa trong bối cảnh và xu hướng hội nhập hiện nay.

“Không chỉ nét văn hóa truyền thống được tái hiện, giới thiệu thông qua đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, trang phục truyền thống, nhạc cụ, các món ăn, nghi lễ…, mà còn có những sản phẩm, giá trị văn hóa được đồng bào tiếp cận và hội nhập ở góc độ phát triển KTXH ở địa phương như sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ…được đồng bào dân tộc giới thiệu ở Ngày hội, mang lại sự đa dạng và hấp dẫn”, bà Hà nói.

QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top