Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên

PHẠM NGÂN

VHO - Đã 70 năm trôi qua, ký ức hào hùng về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", phá đá, kè gầm, làm cầu qua suối, giữ các tuyến đường huyết mạch... vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cùng niềm tự hào không thể mờ phai.

Không tiếc tuổi xuân

Những ngày tháng 5 lịch sử hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Tp Vinh), nhân dịp gặp mặt tề tựu cựu thanh niên xung phong dâng hương dâng hoa Tượng đài Bác, chúng tôi được gặp những thanh niên xứ Nghệ 70 năm trước bằng ý chí, quyết tâm không tiếc máu xương, góp sức cho cuộc chiến Điện Biên Phủ. Từ ngày ra trận, những người TNXP, dân công hỏa tuyến năm xưa giờ đây đã là những cụ già tóc trắng, mắt đã yếu, chân đã run, nhưng nhắc đến những tháng năm đó vẫn hừng hực khí thế.

 Dưới bóng cây phượng vĩ hoa nở đỏ rực những ngày đầu Hè, cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (96 tuổi), phường Hưng Bình (TP Vinh) chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện vẫn còn rất minh mẫn hào sảng kể về những năm tháng chiến đấu đầy gian khó nhưng cũng đầy kiêu hùng ở mảnh đất Điện Biên.

 Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Nguyễn Cảnh Thìn cho biết: Ngày ấy, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến không ngại hiểm nguy gian khó tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Năm 1950, cùng với khí thế đó, tôi là chàng thanh niên 26 tuổi đầy nhiệt huyết đã hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi được biên chế vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. “Thời đó háo hức, ra đi hăng hái lắm. Chiến tranh, ai cũng nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ. Nếu mất thì chỉ hy sinh bản thân mình, mà đổi lại được cả giang sơn, được Tổ quốc, là cái được rất lớn”, cựu chiến sĩ Điện Biên nhớ lại.

Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên - ảnh 1

Chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh

Vào tháng 3.1954, ông Nguyễn Cảnh Thìn cùng đơn vị có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ từ rất sớm và đã tham gia 2 trận chiến đấu quan trọng trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ. Trong muôn vàn hiểm nguy, gian khó, thiếu thốn, với những đôi chân trần và ý chí thép, ông Thìn cùng đồng đội đã hòa mình vào cuộc chiến, góp phần đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng. “Vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy quân địch dùng cờ trắng để đầu hàng và lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Những kỷ niệm đó luôn in đậm trong trái tim tôi, giúp tôi có thêm nghị lực, rèn luyện để hoàn thành các nhiệm vụ trong quân đội những năm tháng sau đó”, ông Nguyễn Cảnh Thìn nói.

Còn ông Phạm Ngọc Hòa (xã Đà Sơn, Đô Lương, Nghệ An) xung phong tham gia lực lượng thanh niên xung phong khi mới 17 tuổi. “Tháng 10.1953 tôi lên đường. Cả xóm tôi ngày ấy có tới 50 người xung phong, nhưng chỉ 4 người được chọn, trong đó có tôi. Rừng núi Tây Bắc gian khổ, tôi tham gia mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm ở đèo Pha Đin. Đó là tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men ra chiến trường Điện Biên. Trong mỗi chúng tôi lúc đó ai cũng quyết tâm làm việc hết sức mình, không ngại gian khổ, không ngại hy sinh", ông Hòa tự hào kể.

Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên - ảnh 2

Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ với những "tuần không thứ, ngày không giờ", dụng cụ thô sơ "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", phá đá, kè gầm, làm cầu qua suối, giữ các tuyến đường huyết mạch...ký ức vẫn còn vẹn nguyên với ông Võ Nguộc (SN 1930), ở xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên).

Ông Nguộc cho biết: "Vừa tròn 22 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tại D32, Quân khu 4, tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Sau đó, đơn vị chuyển sang Sư đoàn 36, tôi ở lại Đại đội 925 - D5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 36 và bắt đầu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Được tham gia quân đội và được góp sức mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự và là kỷ niệm đặc biệt sâu sắc trong cuộc đời tôi". 

Nhớ lại trận đánh mở màn và quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động trước những hy sinh thầm lặng của lực lượng TNXP. Kỷ niệm ông Nguộc nhớ nhất khi tham gia chiến dịch là vào ngày 13.3.1954, khi bộ đội ta bắt đầu nổ súng, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, sư đoàn của ông nhận nhiệm vụ đánh vào đồi Him Lam, đồi Độc Lập.

Thời điểm này, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng, với nhiệm vụ lúc này là canh gác cho lính đào hầm, đào giao thông hào. Trong lúc đang làm nhiệm vụ thì một nhóm lính Pháp tấn công, ông đã lấy 2 quả lựu đạn ném ra, tiêu diệt một số lính địch, khiến chúng không dám tiến lên. Đây là chiến công đầu tiên của ông khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên - ảnh 3

Tặng quà cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến 

Trong lời kể của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, lâu lâu lại có những nghẹn ngào khi nhắc, nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm xuống nơi mảnh đất Điện Biên. Chiến trường ác liệt, mưa bom bão đạn, mới trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau những câu chuyện, kỷ niệm nơi quê nhà thì ngoảnh lại, đồng đội đã hy sinh. 

Cựu TNXP chia sẻ “Chúng tôi trò chuyện, ăn cơm rất đông vui ở chiến hào. Nhưng khi đi ra triển khai nhiệm vụ, trong gang tấc là có thể hy sinh. Anh em lại cáng nhau về. Các bạn còn rất trẻ, còn lại bao ước mơ, hoài bão. Đau xót, thương lắm đồng đội ơi!”.

Nghe câu chuyện về thời hoa lửa của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, chị Nguyễn Thu Cúc xúc động chia sẻ: “Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay xin nghiêng mình trước những chiến công, trước những hy sinh mất mát của cha, anh đã ngã xuống và luôn mãi tự hào về "một thời hoa lửa" oanh liệt của quân và dân ta.

Chiến tranh đã lùi xa, những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay giờ đây đã gần 100 tuổi, được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe các cụ kể chuyện, thế hệ trẻ chúng tôi càng được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm trở thành người có ích, xứng đáng với máu xương cha, ông ta đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc".

Tri ân sâu sắc, biết ơn chiến sĩ Điện Biên

70 năm về trước, Nghệ An là hậu phương vững chắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Nghệ An đã nhập kho 1.460 tấn thóc phơi khô, quạt sạch; vận chuyển 5.000 tấn lương thực; bổ sung 5.438 thanh niên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh niên xung phong Nghệ An cùng sát cánh với quân dân cả nước vượt qua đèo cao, suối sâu và bom đạn quân thù tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực cho bộ đội. 

Từ tháng 2.1954, thực hiện lệnh tổng động viên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An có 5.438 thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ. Tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công, đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công để mở đường ra trận. 

Riêng trong Mùng 1 Tết nguyên đán 1954, có 32.000 dân công tỉnh Nghệ An, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ cùng hàng ngàn tân binh, TNXP, công nhân kỹ thuật quân giới đã nô nức lên đường ra tiền tuyến. Cùng với quân và dân cả nước, quân dân Nghệ An đã có đóng góp quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên - ảnh 4

Ông Phạm Ngọc Hòa, cựu thanh niên xung phong từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ hồi ức tại buổi gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh: "Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. 

 Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ làm hết sức mình để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng tất cả những gì có thể làm được để bù đắp một phần sự hy sinh, mất mát của các đồng chí". 

Nghệ An hiện có 696 liệt sĩ, 84 thương binh, 708 chiến sĩ Điện Biên, 408 thanh niên xung phong và 148 dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Sau chiến đấu và chiến thắng, trở về với đời thường, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa dù ở cương vị nào cũng luôn giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ", làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Họ là những nhân chứng lịch sử sống động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Vẹn nguyên ký ức thời “hoa lửa” của người chiến sĩ Điện Biên - ảnh 5

Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (phường Hưng Bình, thành phố Vinh). Ảnh: Ngọc Thăng

Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã động viên cán bộ, hội viên phát huy tốt tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát các đối tượng là liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; lập dự trù kinh phí; hướng dẫn các địa phương, đơn vị tùy điều kiện cụ thể để tổ chức các hoạt động tôn vinh, tri ân, tặng quà đảm bảo kịp thời, ý nghĩa.

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành tặng quà cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch; thăm hỏi thân nhân, thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với tổng số tiền gần 3,8 tỉ đồng (từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).