Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị: Làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về du lịch

Thứ Hai 02/12/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/ TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, kết quả quan trọng nhất là đã thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò của ngành Du lịch trong nền kinh tế và liên tục giữ mức tăng trưởng 20%/ năm.

 Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch Ảnh: Y. LINH

Tại Diễn đàn phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những kết quả và vướng mắc của việc thực hiện Nghị quyết 08 được thảo luận cụ thể, từ đó đề xuất, kiến nghị Nhà nước các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho Du lịch phát triển trong thời gian tới.

Nhận thức đúng nhưng hành động lại chưa đồng đều

Báo cáo tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị trên quy mô cả nước, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng cho biết: “Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 08, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả vượt bậc. Quan trọng nhất là nhận thức, tư duy và hành động về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế- xã hội đã và đang được định hình. Lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có khả năng đạt xấp xỉ 18 triệu lượt, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết 08 đặt ra cho năm 2020 là từ 17- 20 triệu lượt”.

Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Việc thực hiện Nghị quyết 08 cũng có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là những địa phương có địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước. Các địa phương cùng với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị về du lịch của Đảng, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, tháo gỡ vướng mắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân tham gia vào hoạt động phát triển du lịch.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại khi thực hiện Nghị quyết 08, một số nhiệm vụ giao TCDL chủ trì hiện đang triển khai thực hiện, chưa được phê duyệt theo đúng tiến độ yêu cầu; việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án đã được phê duyệt còn chậm. Các Bộ, ngành, địa phương mặc dù có những nhận thức hết sức đúng đắn về vai trò, vị trí của du lịch là một ngành kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự tham gia, vào cuộc của nhiều ngành, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự huy động nguồn lực của xã hội, tuy nhiên, việc bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, việc triển khai các đề án của ngành Du lịch đã được thực hiện tích cực và đồng bộ thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nảy sinh những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng giải quyết phù hợp như việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng cơ chế, đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; sự phối kết hợp với các ngành để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù còn hạn chế; kinh phí dành cho xúc tiến quảng bá du lịch cũng như độ mở về thị thực dù đã được cải thiện nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực… “Thời gian tới, cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để, tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung nhiệm vụ trong Nghị quyết 08, trong đó tập trung tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội, các cấp, ngành về định hướng của Đảng, Nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hoàn thiện cơ chế, chính sách, có những ưu tiên để hỗ trợ phát triển du lịch; triển khai có hiệu quả các đề án quan trọng”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị.

Khắc phục điểm yếu để phát triển du lịch ĐBSCL

Riêng khu vực ĐBSCL, được đánh giá là một trong các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Khu vực này không chỉ là vựa lúa trọng điểm phía Nam, trung tâm thủy, hải sản lớn nhất cả nước mà còn là vùng đất có tài nguyên du lịch phong phú cả về thiên nhiên và văn hóa. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ hiện tượng nước biển dâng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hạn chế tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đã thành nhu cầu cấp bách để bảo đảm cuộc sống của người dân trong khu vực, trong đó du lịch là một trong những hướng được lựa chọn để phát huy tiềm năng, lợi thế.

Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng sản phẩm du lịch ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL còn chưa thực sự phong phú, tạo sự khác biệt dù đã có đặc thù là vùng sông nước. Công tác xúc tiến quảng bá trong vùng còn yếu, nguồn nhân lực qua đào tạo còn thấp, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điểm đến; thiếu nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch, vấn đề về liên kết và điều phối du lịch vùng cũng cần được cải thiện… Nhiều đề xuất được đưa ra tại Diễn đàn để thúc đẩy phát triển du lịch ĐBSCL phát triển liên quan đến đầu tư nâng cấp, hệ thống giao thông trong vùng cả về đường bộ, đường thủy, đường không; đào tạo nhân lực du lịch; thuế thuê đất, có cơ chế ưu đãi về giá điện đối với cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; xử lý rác thải nông thôn; phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp; nâng cao hiệu quả liên kết vùng…

Phát biểu tổng kết Diễn đàn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Diễn đàn đã tạo được sự kết nối để các Bộ, ngành Trung ương có thể lắng nghe và bàn giải pháp giúp du lịch ĐBSCL tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từng bước thay đổi diện mạo, trở thành vùng du lịch trọng điểm và đưa du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

 THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top